Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong ASEAN

NAM VIỆT 16/09/2021 17:10

(QNO) - Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng hóa các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học, đây là cơ hội để ASEAN hợp tác, kết nối, thúc đẩy không gian kỹ thuật số. 

Một lớp học sử dụng công nghệ tại Singapore. Ảnh: ST
Một lớp học sử dụng công nghệ tại Singapore. Ảnh: ST

Tháng 1.2021 tại Malaysia, hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số các nước thuộc vực Đông Nam Á (ASEAN) thông qua Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 (ADM2025).

Kế hoạch trên nhằm đưa ASEAN trở thành cộng đồng kỹ thuật số và khối kinh tế kỹ thuật số hàng đầu với sự hỗ trợ của các dịch vụ chuyển đổi số, công nghệ và hệ sinh thái và đảm bảo an ninh mạng để thúc đẩy không gian kỹ thuật số đáng tin cậy.

Tuy nhiên, thu hẹp khoảng cách và bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận kỹ thuật số giữa các nước trong khu vực cũng như giữa người dân trong mỗi quốc gia là một trong những yếu tố quan trọng xây dựng một cộng đồng bao trùm kỹ thuật số ASEAN.

Tại hội nghị trực tuyến bàn về thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số ASEAN vừa diễn ra tại Singapore với chủ đề: “Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong ASEAN: Cơ sở hạ tầng, kỹ năng và cơ hội”, các chuyên gia khu vực cho rằng, khi việc áp dụng kỹ thuật số hóa ngày càng tăng, các chính phủ ASEAN cần đầu tư nhiều hơn nữa cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ toàn cầu, cố vấn kinh tế của tập đoàn công nghệ Huawei, Andrew Edward Williamson chia sẻ, để ngăn chặn sự bất bình đẳng quy mô lớn, các chính phủ cũng phải khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân vào các khu vực nông thôn.

Ông Andrew Edward Williamson nói: “Trong một thế giới không tiếp xúc, phần lớn các tương tác với khách hàng và nhân viên phải diễn ra ảo. Ngoại trừ một số ngoại lệ, vận hành kỹ thuật số là cách duy nhất để duy trì hoạt động kinh doanh thông qua việc ngừng hoạt động bắt buộc và hoạt động bị hạn chế”.

Các chuyên gia cho rằng, người dân, đặc biệt khu vực nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ tại ASEAN hãy sẵn sàng thích ứng để tạo ra giá trị kinh tế sau khi được kết nối. Một cách tiếp cận toàn diện là điều cần thiết để đạt được kết quả công bằng và hiệu quả.

Cạnh đó, chính quyền địa phương cần khuyến khích khu vực tư nhân tham gia kỹ thuật số trên toàn quốc, thúc đẩy đổi mới các giải pháp kỹ thuật số hiệu quả về chi phí, đồng thời nâng cao nhận thức và hiểu biết về kỹ thuật số hơn nữa của người dân.

Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số 2025 là một ví dụ về việc khối ASEAN đang hỗ trợ các nền kinh tế ít số hóa hơn nhưng không giới hạn ở việc tăng cường kết nối nông thôn, điều phối các luồng dữ liệu xuyên biên giới và áp dụng các công nghệ mới (cách mạng nông nghiệp 4.0)....

Ông Williamson nhấn mạnh rằng khu vực ASEAN này có những kỳ lân công nghệ đầy hứa hẹn, vì vậy việc giữ chân nhân tài kỹ thuật số cũng sẽ là một ưu tiên.

Cho dù đó là sinh viên, doanh nghiệp nhỏ, phụ nữ hay tài năng đang chuyển đổi nghề nghiệp, hợp tác công tư sẽ có lợi trong việc tạo ra một nhóm tài năng kỹ thuật số đa dạng và hấp dẫn. Mục tiêu cuối cùng là một hệ sinh thái kỹ thuật số mạnh mẽ và hiệu qu, mang lại lợi ích chung cho toàn khu vực. 

Với một nền kinh tế internet được thiết lập để đạt 300 tỷ USD vào năm 2025, nhiều cơ hội hơn cho ASEAN sẽ xuất hiện.

NAM VIỆT