Thiên tai tác động mạnh đến việc giảm nghèo ở Phước Sơn

THÀNH CÔNG 16/09/2021 06:11

Đó là thông tin UBND huyện Phước Sơn đưa ra tại buổi làm việc với đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì, liên quan đến tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện vào sáng qua 15.9.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: T.C
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: T.C

Khó thoát nghèo bền vững

UBND huyện Phước Sơn thông tin, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2020, địa phương đã giải ngân hơn 36,8 tỷ đồng trong tổng số hơn 64 tỷ đồng được phân bổ, đạt tỷ lệ 57,51%.

Từ đầu năm đến nay, địa phương tập trung hỗ trợ từ nguồn kinh phí năm 2020 chuyển sang, đã giải ngân hơn 15,5 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch.

Có hơn 17.000 thẻ bảo hiểm y tế được cấp hỗ trợ cho các đối tượng, các chính sách tín dụng, giáo dục, dân số, bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo, dạy nghề, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, đối với công tác dạy nghề, dù địa phương đã có nhiều nỗ lực vận động, song đồng bào “ngại đi xa, xuống trường nghề được một thời gian thì tự bỏ học, quay về”.

Một số trường hợp học nghề xong nhưng chưa có việc làm ngay dẫn dến người dân có tư tưởng không thích học nghề, tác động đến kết quả dạy nghề cho đồng bào. Phước Sơn chưa có khu công nghiệp, các nhà máy, cơ sở công nghiệp quy mô cũng thiếu vắng nên việc giải quyết việc làm khá khó khăn.

Về việc giảm nghèo, thoát nghèo bền vững trong nhân dân, ông Trung cho hay, nhà ở được hỗ trợ theo các chương trình trước đây đã cơ bản xuống cấp, nhiều chỗ hư hại, bị cuốn trôi do thiên tai.

Nhiều hộ đăng ký phấn đấu thoát nghèo để được hưởng chính sách khuyến khích, sau đó lại tái nghèo. Qua khảo sát trong số hơn 200 hộ đăng ký thoát nghèo, chỉ có 96 hộ đủ điều kiện. Có nhà đăng ký thoát nghèo nhưng khi vào kiểm tra nhà ở thì tứ phía trống không. Đây là khó khăn chung đối với công tác giảm nghèo của huyện.

Tác động của thiên tai

Bão lũ là một trong những yếu tố tác động lớn đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Phước Sơn. Sau bão lũ năm 2020, huyện Phước Sơn thiệt hại hơn 120ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 90ha gần như không còn khả năng sản xuất. Địa phương đã lên phương án cố gắng cải tạo, khắc phục thủy lợi, nghiên cứu chuyển đổi một số diện tích để bổ sung đất sản xuất. Về nhà ở, địa phương làm 4 khu tái định cư, bố trí mặt bằng xong và toàn bộ 97 hộ gia đình mất nhà ở đã dựng nhà trên mặt bằng mới, 54 hộ dân đã chuyển vào ở.

“Tại các xã Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim, Phước Công, thiên tai năm 2020 tàn phá dữ dội nhất. Nền tảng từ trước của người dân bị mất đi khiến cho khả năng thoát nghèo khó có thể đạt được. Huyện đã hỗ trợ bước đầu cho nhân dân, và đang tính toán để năm 2022 bắt đầu có những giải pháp tăng cường điều kiện sản xuất cho người dân, tìm nguồn lực để tái sản xuất, khảo sát các dự án. Chúng tôi đang tính toán có cơ chế hình thành các hợp tác xã, tập trung mạnh cho kinh tế vườn, kinh tế trang trại, phát triển chăn nuôi để có hướng phát triển bền vững, giảm thiểu những tác động của thiên tai đến sản xuất của người dân” - ông Lê Quang Trung nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn ghi nhận những kết quả trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện trong bối cảnh phải chịu nhiều khó khăn đặc thù lẫn tác động nặng nề của thiên tai, bão lũ. “Đăng ký thoát nghèo vượt tỷ lệ chung đề ra của tỉnh, không để nợ đọng công trình, nỗ lực xây dựng nông thôn mới… cho thấy sự chủ động của huyện trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn vào những tồn tại, tính ổn định của việc thoát nghèo chưa cao, ý thức vươn lên thoát nghèo một bộ phận nhân dân chưa mạnh, sản phẩm OCOP chưa sáng giá trong hệ thống sản phẩm của tỉnh, đó là hạn chế” - ông Tuấn nói.

THÀNH CÔNG