Quảng Nam lấy chất lượng cuộc sống người dân làm động lực phát triển
Chọn hướng đi đúng, hướng đến chất lượng cuộc sống người dân, không phải con số tăng trưởng GRDP nhiều hay ít là mệnh lệnh khi những động lực tăng trưởng đã dần hết dư địa. Điều này được xem như một lời cam kết của chính quyền Quảng Nam.
Năm 2016, Trung ương ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW (ngày 1.11) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 06-NQ/TW (ngày 5.11) về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do trên thế giới.
Nhìn lại 5 năm thực hiện, qua các cuộc bàn thảo, chính quyền tỉnh sẽ đề xuất trung ương nhiều kiến nghị để có thể thực thi tốt hơn các nghị quyết với mong muốn xây dựng một nền kinh tế Quảng Nam trở thành một cực tăng trưởng.
Thực thi chưa hiệu quả
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5,84% trong 5 năm qua của Quảng Nam thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra (10 - 10,5%). Con số này được cho là một trong những “hạn chế” của Quảng Nam khi thực thi Nghị quyết 05 và 06 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quảng Nam đã cụ thể hóa 2 nghị quyết của Trung ương bằng các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh.
“Làn gió mới” này được kỳ vọng giúp địa phương huy động nhiều nguồn vốn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng, kết nối giao thông, nâng chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế… Song kết quả thực thi không như ý muốn.
Trong một hội nghị tái cơ cấu mô hình tăng trưởng hồi cuối năm 2020, các chuyên gia đều cho rằng tăng trưởng kinh tế địa phương vẫn chủ yếu theo chiều rộng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thấp.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam nói, ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh. Doanh nghiệp còn lại quy mô rất nhỏ. Công nghệ lạc hậu. Kỹ năng quản trị doanh nghiệp hạn chế. Khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu hầu như không có.
Các ngành công nghiệp ở Quảng Nam chủ yếu thâm dụng lao động giản đơn, năng suất thấp, trong khi thiếu hẳn một hệ sinh thái các cụm ngành công nghiệp có tiềm năng cạnh tranh.
Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Quảng Nam chưa thật sự trở thành động lực; ít có dự án chiến lược. Sự phát triển của Quảng Nam vẫn dựa vào số ít doanh nghiệp như ô tô, bia, thủy điện…, dẫn đến nguồn lực ngân sách bấp bênh, thiếu ổn định.
Ngành công nghiệp phụ trợ chỉ nhỏ lẻ. Nông nghiệp phụ thuộc thời tiết. Nguồn nguyên liệu sản xuất tại chỗ không thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Không thể thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn về sản xuất hàng xuất khẩu, kinh doanh thương mại và dịch vụ… Vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Nguyễn Phi Thạnh, khoa học và công nghệ chưa trở thành động lực; biểu hiện rõ nhất là năng suất lao động không tăng. Mọi nghiên cứu đều phải gắn với đời sống, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nhưng điều này chưa thể hiện được vì việc nghiên cứu ứng dụng không cao.
Cần những điều chỉnh
Tiến trình thực thi các Nghị quyết 05 và 06 vẫn tiếp diễn. Kiến nghị gì với Trung ương để giúp nền kinh tế Việt Nam cường thịnh và Quảng Nam thành một cực tăng trưởng đang được luận bàn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, việc đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, nhất là đầu tư, kinh doanh, hướng dẫn tốt Luật Quy hoạch, đột phá chính sách trên lĩnh vực đất đai, sửa đổi khung hợp tác công tư, tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên, không vay tiền nước ngoài, xây dựng phương án huy động vốn trong dân vào đầu tư phát triển… là những điều cần được tính đến.
Quảng Nam cần điều chỉnh cơ cấu giáo dục đại học và nghề, giảm chuyện thừa thầy, thiếu thợ; xây dựng tiêu chí quốc gia, địa phương xanh; không chạy theo tăng trưởng thuần túy.
Tỉnh cũng phải tích cực hơn trong hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả hơn các FTA, mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa. Tỉnh sẽ phải chú trọng hơn trong phát triển ngành logistic; đa dạng hóa các loại hình du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục. Với nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất có liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, tích tụ đất đai sản xuất hàng hóa, hạn chế xuất khẩu nông sản thô.
“Không phải giao chỉ tiêu ngân sách tăng bao nhiêu. Không chạy theo tăng trưởng. Hướng về phát triển bền vững và phải có bộ tiêu chí thích ứng với thiên tai, dịch bệnh. Phát triển chủ yếu công nghiệp phụ trợ, hạn chế ô nhiễm.
Không kêu gọi những dự án độc lập mà cần ngành liên kết mới, phát triển “sếu đầu đàn” và cả “chim sẻ”. Cần cơ chế phát triển hạ tầng liên kết vùng, không dàn hàng ngang mà tạo điều kiện cho các vùng kinh tế trọng điểm và cơ cơ chế thu hút, sử dụng người tài” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Thêm động lực từ cơ chế
TS. Trần Du Lịch - Trưởng nhóm tư vấn, hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho hay, Chu Lai đã được chọn thí điểm khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, hình thành Trung tâm Cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia. Trường Hải đủ năng lực.
Một trong những vấn đề thuyết phục khi chọn Chu Lai làm khu kinh tế mở là sân bay Chu Lai. Nhưng nó không hề phát huy tác dụng sau nhiều năm. Nếu tận dụng được thì khả năng phát triển sẽ rõ. Nhưng nếu để doanh nghiệp “đơn thương độc mã” thì không thể thành công được.
Cái nhìn của TS. Trần Du Lịch đã “hiện thực” khi Quảng Nam đề xuất trung ương cho cơ chế đầu tư sân bay Chu Lai trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không. Cảng biển Chu Lai sẽ được đầu tư dịch vụ. Cửa khẩu quốc tế Nam Giang tương ứng tiềm năng trong mối liên kết du lịch thương mại và hạ tầng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, hiện Trường Hải chiếm tỷ trọng lớn nhất công nghiệp ô tô, có đủ điều kiện để phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ trợ, nhưng để trở thành một mặt hàng, thương hiệu quốc gia thì phải có cơ chế thúc đẩy.
Không chỉ kiến nghị cơ chế về ô tô hay công nghiệp hỗ trợ, logistic sân bay, cảng biển, ước mơ về trung tâm công nghiệp điện khí quy hoạch nhiều năm “đứng yên” đã được khơi lại, tháo gỡ vướng mắc để trở thành hiện thực.
Tư duy phát triển các ngành nghề cũng được thay đổi. Vấn đề phát triển công nghiệp sạch, phát triển đô thị ven biển song song với việc tối ưu hóa tài nguyên thiên nhiên bản địa gắn chiến lược phát triển biển, cũng được đặt ra.
Cần cơ chế rõ ràng, thực tế cho việc xây dựng nông nghiệp an toàn, phát triển hệ thống giao thông đường bộ liên kết vùng, miền và hình thành một trung tâm đào tạo nghề cấp vùng, đào tạo và cung cấp nhân lực cho cả miền Trung.
Không bao giờ có đủ mọi cơ chế, chính sách, nguồn lực, cũng như tất cả điều kiện cần và đủ cho bài toán phát triển. Chọn hướng đi đúng, hướng đến chất lượng cuộc sống người dân, không phải con số tăng trưởng GRDP nhiều hay ít là mệnh lệnh khi những động lực tăng trưởng đã dần hết dư địa. Điều này được xem như một lời cam kết của chính quyền Quảng Nam với cộng đồng địa phương và thực thi hiệu quả Nghị quyết 05 và 06.