Lên phương án thực hiện “nhiệm vụ kép”
Mùa mưa bão đã bắt đầu. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh phải thực hiện “nhiệm vụ kép” là phòng chống thiên tai và dịch bệnh. Quảng Nam xây dựng kịch bản phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh với nỗ lực ứng phó hiệu quả trước nhiều tình huống, đặc biệt là di dân và cách ly tập trung.
Chống dịch trong mưa bão
Việc xuất hiện hàng loạt ca mắc tại thị xã Điện Bàn trong những ngày mưa bão vừa qua đặt địa phương này trong tình huống phải vừa chống dịch vừa chống bão. Tại khối phố Ngân Hà (phường Điện Ngọc) có 27 hộ dân bị phong tỏa do xuất hiện F0 trong cộng đồng. Trong số này có 12 hộ thuộc F0, F1 phải đi cách ly tập trung (CLTT).
Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng khối phố Ngân Hà cho biết, ngay trong ngày trước khi có tin bão, khối phố đã cử đội xung kích đến hỗ trợ chằng chống nhà cửa cho những hộ dân phải đi CLTT, đảm bảo an toàn về nhà cửa cho người dân.
Để người dân mắc Covid-19 yên tâm chữa trị và CLTT, các lực lượng chức năng của xã, phường trên địa bàn thị xã Điện Bàn đã khảo sát danh sách nhà dân có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, khẩn trương triển khai chằng chống nhà cửa, di dời tài sản người dân đến nơi cao ráo.
Phương án di dân phải bám sát phương án phòng chống dịch
Trong kịch bản PCTT của Quảng Nam, nếu xuất hiện ca F0 trong số dân sơ tán, Quảng Nam sẽ bố trí sẵn sàng nơi cách ly, thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch. Ngoài ra, khi thiên tai xảy ra, các lực lượng sẽ phải tuân thủ chỉ huy tập trung, bám sát kịch bản đã đề ra. Xã có nguy cơ xảy ra dịch sẽ phải khác xã đã có dịch. Điều này cần thiết phải có sự linh động trong quá trình sơ tán dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, công tác PCTT và dịch Covid-19 được Quảng Nam thực hiện một cách chủ động. “Phương án di dân đã được lên kế hoạch chi tiết, bám sát phương án phòng chống dịch Covid-19, ưu tiên di dân tại chỗ. Chúng tôi cũng đề nghị Trung ương có cảnh báo sạt lở sớm, đồng thời tính toán hỗ trợ về lâu dài cho dân có nơi tránh trú tại chỗ” - ông Hồ Quang Bửu nói.
Ngay khi phát hiện chuỗi lây nhiễm tại Công ty TNHH Giày Rieker, dù trong những ngày mưa bão nhưng công tác truy vết vẫn được ngành y tế gấp rút triển khai.
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa chống bão. “Chúng tôi đã yêu cầu các xã phường thành lập đội xung kích hỗ trợ các gia đình có người đi CLTT.
Bên cạnh công tác hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, chúng tôi cũng lên kế hoạch sơ tán người dân vùng trũng thấp, ven biển; khẩn trương thu hoạch lúa hè thu, tạm dừng công trình đang thi công, đặt bảng báo các khu vực có nguy cơ ngập úng, chặt tỉa cây cối…
Mọi công tác chống bão đều thực hiện khẩn trương, nhưng đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19” - ông Hiếu nói.
Trong khi đó, công tác phòng chống thiên tai (PCTT) kết hợp với các phương án chống dịch được huyện Núi Thành thực hiện nghiêm ngặt.
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, ngay trước khi có thông tin bão số 5 sẽ đổ bộ, địa phương đã chủ động bố trí chỗ ở riêng biệt cho ngư dân ngoại tỉnh trú tránh.
“Từ trước đến nay, chúng tôi yêu cầu Ban Quản lý Cảng Kỳ Hà phải kiểm soát nghiêm ngặt lượng người ra vào cảng, khai báo y tế và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch” - ông Ngô Đức An nói.
Bên cạnh đó, huyện Núi Thành xây dựng các phương án phòng chống bão lũ bám sát theo kịch bản của tỉnh, trong đó chủ động thiết lập bệnh viện điều trị F0 tại chỗ trong trường hợp thiên tai không thể di chuyển bệnh nhân.
Ông Ngô Đức An nói, ngành y tế địa phương đang khẩn trương tập huấn và tăng cường nhân lực để có thể chủ động trong mọi tình huống.
Nhân lực, vật lực tại chỗ
Quảng Nam đã ban hành kịch bản PCTT trong tình hình dịch bệnh. Theo đó, trong bối cảnh Covid-19, việc chỉ huy tại chỗ phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ban chỉ huy PCTT và ban chỉ đạo phòng chống dịch.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, kịch bản dự lường tình huống xấu nhất là có nơi vừa xảy ra thiên tai vừa thực hiện Chỉ thị 16, cả công tác phòng chống dịch Covid-19 và PCTT đều phải ưu tiên “4 tại chỗ”. Trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh diễn ra cùng lúc, lương thực dự trữ phải nhiều hơn, sẵn sàng cho khu CLTT.
Đặc biệt, theo ông Trương Xuân Tý, phải bảo đảm an toàn cho lực lượng PCTT trước dịch bệnh. Đây là lực lượng xung kích nên mọi hoạt động buộc phải đúng quy trình chống dịch, khi có trường hợp cần thiết phải điều đi ứng phó sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.
Theo kịch bản PCTT trong bối cảnh dịch Covid-19 của tỉnh, công tác sơ tán dân sẽ được các cấp chính quyền địa phương thay đổi theo hướng ưu tiên xen ghép, sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung như trước đây. Trong thời gian này, các xã sẽ tiến hành thống kê số nhà kiên cố trên địa bàn, quy mô chứa được người sơ tán bảo đảm 5K.
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, các cơ sở khám chữa bệnh cần phải giữ “sạch” Covid-19 để giúp người dân điều trị tại chỗ trong tình huống thiên tai. Ngoài ra, nhân lực có thể điều trị Covid-19 cũng đã được tính toán để đáp ứng với tình huống bão lũ.
“Chúng tôi yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19, không để xuất hiện các ca dương tính tại đơn vị điều trị, đảm bảo là cơ sở “sạch”, sẵn sàng đáp ứng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Các cơ sở được chỉ định điều trị Covid-19 cũng đã được đầu tư trang thiết bị, thuốc men cần thiết trong tình huống nếu dịch bệnh căng thẳng” - ông Mai Văn Mười nói.