7 giải pháp giúp cải thiện trí nhớ
(QNO) - Không tồn tại trí nhớ tốt hay kém và cũng không có khái niệm trí nhớ bẩm sinh, mà chỉ tồn tại trí nhớ được rèn luyện hay không.
Bài viết dưới đây, bác sĩ xin gửi đến mọi người 7 giải pháp cải thiện trí nhớ, theo trung tâm y tế Mayoclinic (Mỹ).
1. Luôn để tinh thần ở trạng thái vận động
Cũng giống hoạt động thể chất giúp cơ thể chúng ta giữ được vóc dáng chắc khỏe, các hoạt động kích thích tinh thần giúp não luôn khỏe mạnh và tránh bị “teo”.
Mọi người hãy bắt não… động não, đó có thể là giải câu đố ô chữ trên các tờ báo, đi làm hàng ngày bằng những cung đường khác nhau, tập chơi một nhạc cụ nào đó, đọc sách buổi sáng sớm, tham gia các hoạt động tình nguyện tại trường học hoặc địa phương nơi mình ở…
2. Gặp gỡ bạn bè, tương tác với cộng đồng
Tương tác xã hội giúp ngăn ngừa trầm cảm và căng thẳng, cả hai đều có thể góp phần cải thiện trí nhớ.
Luôn thu xếp các cơ hội để có được những khoảng thời gian cùng với những người thân yêu, bạn bè và cả những người khác, những người chúng ta muốn gặp, điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn đang sống một mình.
3. Lên kế hoạch, tổ chức, sắp xếp mọi việc và động não để ghi nhớ
Mọi người có nguy cơ quên mọi thứ nếu để công việc nhà và công việc cơ quan trong một mớ hỗn loạn.
Hãy ghi các nhiệm vụ, cuộc hẹn và các sự kiện trong sổ tay, cuốn lịch hoặc trên chiếc điện thoại, máy tính, đánh số chúng theo thứ tự ưu tiên giải quyết, mang theo bên mình, “check” danh sách công việc hiện tại và kiểm tra các mục đã hoàn thành vào những thời gian nhất định trong ngày.
Điều này thực sự rất quan trọng và mang lại nhiều giá trị, vừa giúp chúng ta không bỏ lỡ công việc, vừa tránh tình trạng stress, quá tải.
Ngoài ra, hạn chế sự phân tâm và không làm quá nhiều thứ cùng một lúc cũng là điều rất quan trọng. […]
Với cá nhân bác sĩ cũng vậy, khi muốn nhớ một sự kiện gì, bác sĩ thường rất tập trung về sự kiện và những con số đó hoặc tìm mọi cách gắn kết, liên tưởng nó với một sự kiện, con số khác, như vậy, chúng ta sẽ nhớ rất lâu.
4. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta củng cố trí nhớ, đặc biệt ở thì sóng chậm của giấc ngủ sâu. Vì vậy, chúng ta cần lưu tâm đến giấc ngủ.
Thời lượng ngủ với người lớn tốt nhất là 6 tiếng/ngày và thời điểm ngủ tuyệt vời nhất là từ 22h hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Nếu có thể, chợp mắt buổi trưa dù chỉ 10 phút cũng rất quan trọng cho não bộ và trí nhớ.
5. Ăn uống lành mạnh
Ưu tiên ăn trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Chọn nguồn protein ít béo, chẳng hạn như cá tươi, các loại đậu và gia cầm không da. Hạn chế chất cồn cũng rất quan trọng, hàng ngày uống quá nhiều rượu thường dẫn đến rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ.
6. Duy trì hoạt động thể chất hàng ngày
Hoạt động thể chất làm tăng lưu lượng máu lên toàn bộ cơ thể, bao gồm cả bộ não của chúng ta, điều này góp phần giúp bộ nhớ trở nên sắc nét hơn.
Đối với hầu hết người lớn khỏe mạnh, Bộ Y tế Mỹ khuyến cáo dành ít nhất 150 phút/tuần với những hoạt động thể chất vừa phải như yoga, aerobic, đi bộ nhanh, đạp xe… hoặc 75 phút/tuần với những hoạt động mạnh như chạy bộ, bóng bàn, quần vợt, cầu lông, gym, bơi… và tốt nhất vẫn là chia đều chúng vào nhiều buổi trong tuần.
Nếu các bạn không có thời gian để tập luyện đầy đủ, hãy tạo thói quen đi bộ trong những công việc hàng ngày để đảm bảo vẫn duy trì tầm 10 phút đi bộ/ngày (thay đi thang máy bằng đi thang bộ, hạn chế gọi xe ôm, taxi khi đi đâu đó trên dưới 1 km…)
7. Kiểm soát các bệnh mạn tính
Thực hiện theo các khuyến cáo điều trị của bác sĩ đối với bất kỳ bệnh mạn tính nào như trầm cảm, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường và các vấn đề về thận hoặc tuyến giáp.
Khi các cơ quan trong cơ thể khỏe hơn, hoạt động của não bộ cũng sẽ tốt hơn. Ngoài ra, hãy tham khảo thường xuyên những thuốc các bạn đang dùng với các bác sĩ của mình nhé, vì nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến trí nhớ.