Tìm giải pháp bình ổn giá phân bón
(QNO) - Giá phân bón tăng cao do phụ thuộc vào các yếu tố thị trường như cân đối cung cầu, giá nguyên liệu đầu vào… và chịu ảnh hưởng bởi giá phân bón trên thế giới.
UBND tỉnh vừa có văn bản gửi các sở Công Thương, NN&PTNT, Tài chính, Cục Quản lý thị trường nghiên cứu giải pháp bình ổn thị trường phân bón.
Tính đến ngày 1.9, toàn tỉnh Quảng
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh, bình ổn giá phân bón và vận chuyển, phân phối phân bón, vật tư nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Liên tục tăng giá
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng năm Việt Nam sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón, riêng năm 2020 sử dụng 10,23 triệu tấn phân bón (7,6 triệu tấn phân vô cơ và 2,63 triệu tấn phân hữu cơ). Trong khi, công suất đăng ký của các nhà máy phân bón trong nước đến 29,25 triệu tấn, tuy nhiên giá phân bón trong nước vẫn liên tục tăng cao.
Sản lượng sản xuất 6 tháng đầu năm 2021đạt khoảng 4,69 triệu tấn phân bón vô cơ các loại, tăng 11,7% so với cùng kỳ 2020. Lượng phân bón nhập khẩu đến hết tháng 6 khoảng 2,31 triệu tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ. Lượng phân bón xuất khẩu khoảng 667 nghìn tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ.
So sánh tại thời điểm tháng 6.2021 với tháng 12.2020, giá phân urê trên thế giới tăng 60 - 80%, phân kali tăng gần 30%... Riêng trong nước, giá phân urê tăng từ 6 triệu đồng/tấn lên 9,5 - 10,5 triệu đồng/tấn; giá DAP tăng tại nhà máy từ 8 triệu đồng/tấn lên 11 - 13,5 triệu đồng/tấn.
Tính toán nhu cầu sử dụng
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu phân bón không phải là nguyên nhân chính gây tăng giá do lượng phân bón sản xuất trong nước phục vụ nhu cầu nội địa tăng gần 300 nghìn tấn trong 6 tháng đầu năm 2021. Thuế phòng vệ thương mại đánh vào phân bón DAP và MAP cũng không phải là nguyên nhân chính, do thuế này được áp dụng từ tháng 8.2017 và từ đó đến năm 2020 không gây ra hiện tượng tăng giá.
Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân phân bón tăng giá do giá nông sản tăng, thời tiết thuận lợi, nông nghiệp phát triển dẫn đến nhu cầu phân bón cao. Cùng với đó, dịch Covid-19 được kiểm soát ở mức độ nhất định tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… dẫn đến nhiều mặt hàng phục hồi nhanh.
Đặc biệt, sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa “siêu lỏng” trên toàn cầu đã khiến không chỉ phân bón mà các mặt hàng cơ bản như sắt, thép, than đá, xăng, dầu, thức ăn chăn nuôi… đều tăng giá mạnh.
Ở trong nước, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, làm tăng phí vận chuyển, giá thuê nhân công. Bên cạnh đó, giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón đều tăng mạnh, khiến giá phân bón tăng cao.
Nhằm bình ổn giá phân bón, từ đầu năm 2021 Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất phân bón lớn trong nước chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát huy công suất sản xuất, giảm tồn kho, kiểm soát kênh phân phối, ưu tiên tối đa tiêu thụ phân bón tại thị trường trong nước; tăng cường quản lý thị trường phân bón, chống đầu cơ, tích trữ, nâng giá…
Để ổn định thị trường phân bón trong nước, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan thực hiện một số giải pháp căn cơ như tăng cường công tác quản lý thị trường phân bón, chống đầu cơ, tích trữ, tăng giá... Rà soát, tính toán nhu cầu sử dụng các loại phân bón chủ chốt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong từng giai đoạn, mùa vụ để các doanh nghiệp chủ động cân đối kế hoạch sản xuất, kinh doanh…
Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất phân bón hữu cơ sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt…) tiến đến giảm dần phụ thuộc vào phân vô cơ. Thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất, điều tiết năng lực sản xuất cung ứng phân bón, đáp ứng nhu cầu thị trường…