Những ngày du lịch "đóng băng"
Đã mấy tháng rồi, du lịch trở thành một khái niệm xa xỉ. Chuỗi ngày “đóng băng” của ngành du lịch đang kéo dài chưa biết bao giờ dừng khiến nhiều dự án, sản phẩm hứa hẹn bị bỏ ngỏ đầy xót xa.
Những sản phẩm chưa kịp trình làng
Cuối năm 2019, Hội An phê duyệt phương án “Phát triển du lịch cộng đồng tại làng rau Trà Quế” nhằm vực dậy sản phẩm du lịch độc đáo đang trên đà suy thoái này. Đáng tiếc, vừa tổ chức khai trương điểm đến và tổ chức lễ hội Cầu Bông năm 2020 xong thì dịch Covid-19 ập đến, sau đó tái phát nhiều đợt khiến cả ngành du lịch Hội An nói chung và Trà Quế nói riêng chìm trong vắng lặng.
Suốt cả năm 2020, doanh thu từ hoạt động du lịch ở làng Trà Quế chỉ vỏn vẹn 159 triệu đồng. Vậy là, cảnh quan hữu tình được chỉnh trang, tour tuyến tham quan mới về lịch sử - văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành của làng rau này đã “lỗi hẹn” với du khách gần hai năm trời và chưa biết khi nào mới có thể sôi động lại như cũ.
Cũng ngay đầu năm 2020, làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước) khấp khởi hy vọng về một “làn gió mới” cho điểm đến khi Tập đoàn Thiên Minh ký kết phối hợp hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch bài bản cho làng cổ này.
Hiện tại, tập đoàn Thiên Minh vẫn giữ cam kết đồng hành với làng Lộc Yên, tuy nhiên không có khách du lịch thì chẳng thể tạo ra sinh khí cho điểm đến và ngôi làng mấy trăm năm tuổi vẫn lặng lẽ như trước.
Sau nhiều đợt cải tạo, ấp ủ, đáng ra trong mùa hè vừa qua, làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) Cẩm Phú (Điện Bàn) đã có thể trình làng, mời gọi du khách về với đồng quê để thưởng thức cảnh quan, ẩm thực và văn hóa làng đặc sắc nơi vùng đất Gò Nổi này. Tuy nhiên, một lần nữa mọi thứ lại phải bỏ ngỏ khi dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, khiến mọi nỗ lực chuẩn bị của điểm đến này trở nên công cốc.
Ở làng mắm Cửa Khe (Thăng Bình), nhóm người trẻ của làng cũng đang phải cầm chừng trong việc đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm làng nghề khi mà đại dịch chưa biết khi nào mới có thể đẩy lui.
Không những thế, nhiều điểm đến khác ở vùng cao trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2019 - 2020 đã tích cực cải tạo, chuẩn bị nhiều sản phẩm mới mẻ thông qua Nghị quyết hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch miền núi của tỉnh đến năm 2025 (hiện đã dừng) để đón đầu làn sóng du khách đến Quảng Nam tăng trưởng cao trước đó, nhưng cuối cùng đều hụt hẫng khi dịch ập đến.
Khắc khoải đợi qua bĩ cực
Chịu thiệt hại ít hơn những loại hình du lịch khác, tuy nhiên việc giữ khát khao làm du lịch đối với cư dân tại các làng DLCĐ cũng là điều hết sức quan trọng trong thời gian cầm cự chờ ngành du lịch mở cửa trở lại.
Ông Nguyễn Phong Lợi - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp làng Cẩm Phú (Điện Phong), cho biết: “Nhiều thành viên trong HTX vẫn duy trì công việc của mình và gắng đợi dịch bị đẩy lui. Bản thân chúng tôi cũng cố gắng động viên người dân trong làng thường xuyên chăm chút, cải tạo cảnh quan điểm đến để kịp bắt nhịp một khi được phép đón khách trở lại”.
Do ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch này, một số lễ hội trong đó có lễ hội rau Trà Quế dự kiến được tổ chức vào cuối năm để “hâm nóng” ngành du lịch đều đã chuyển sang năm 2022. Trước mắt, từ đây đến cuối năm, Hội An sẽ xây dựng và triển khai Đề án điểm du lịch cộng đồng có sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới tại xã Cẩm Hà.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An thông tin, với từng xã sở hữu các điểm đến DLCĐ, thành phố sẽ nghiên cứu những phương án đầu tư, hỗ trợ hợp lý. Như Cẩm Kim sẽ cho hình thành HTX thương mại du lịch, đối với Cẩm Hà thì tổ chức thành lập HTX gắn với làng rau, với Cẩm Thanh cũng nghiên cứu đưa việc bán vé tham quan rừng dừa về cho HTX du lịch nông nghiệp địa phương quản lý.
Theo phân kỳ đầu tư của dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển một số điểm DLCĐ tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, giai đoạn 2021 - 2023, sẽ có 6 điểm đến được hỗ trợ để sớm khôi phục lại hoạt động đón khách du lịch. Bao gồm: làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (Tam Kỳ), làng rau Trà Quế (Hội An), làng DLCĐ Tam Hải (Núi Thành), làng DLCĐ Cẩm Phú (Điện Bàn), làng du lịch cộng đồng Đại Bình (Nông Sơn) và làng DLCĐ BhơHôồng (Đông Giang). Đây được đánh giá đều là những điểm đến trước đó đã thu hút được lượng lớn du khách hoặc có tiềm năng thu hút khách sau dịch nên cần sớm đầu tư để kích hoạt thêm sinh khí cho du lịch Quảng Nam.