Dạy và học giữa đại dịch Covid-19

KIM OANH 11/09/2021 06:31

Khi nhiều trường học chưa thể mở cửa lại vì đại dịch Covid-19, hình thức dạy học từ xa và trực tuyến (online) được triển khai tại nhiều nơi để không bị gián đoạn giáo dục, song cũng lắm gian nan.

Thầy giáo C.S. Satheesha tại Ấn Độ phát sóng bài học qua internet từ “lớp học” trên cành cây. Ảnh: @ C.S. Satheesha
Thầy giáo C.S. Satheesha tại Ấn Độ phát sóng bài học qua internet từ “lớp học” trên cành cây. Ảnh: @ C.S. Satheesha

Học trực tuyến hay học từ xa thông qua internet là giải pháp hàng đầu được các nền giáo dục thực hiện, nhất là khi đại dịch khiến các trường học tiếp tục đóng cửa. Nhưng trên thực tế, truy cập internet là một thách thức lớn đối với nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là vùng nông thôn.

Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho biết, có ít nhất 1/3 học sinh trên thế giới không biết đến cái gọi là học từ xa mà một trong những nguyên nhân chính là các em không tiếp cận được internet.

Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết. “Ước tính có khoảng 463 triệu trẻ em thiếu trang thiết bị hoặc phương tiện có thể truy cập mạng để học từ xa. Số lượng lớn trẻ em bị gián đoạn việc học tập trong nhiều tháng liên tục, đe dọa nền giáo dục toàn cầu và sẽ để lại hậu quả cho kinh tế và xã hội trong nhiều thập kỷ tới”.

 Tại Ấn Độ, nhất là ở vùng nông thôn, nhiều học sinh phải đi bộ nhiều ki-lô-mét để đến các khu vực có kết nối internet, hoặc có tốc độ truy cập nhanh hơn, không gây gián đoạn việc học.

Thậm chí, thầy giáo tiểu học C.S.Satheesha ở một ngôi làng hẻo lánh ở bang Karnataka, tây nam Ấn Độ quyết định xây dựng một lớp học từ xa trên giàn cây xoài gần nhà nhằm truy cập internet tốt hơn để phục vụ công việc giảng dạy của mình kể từ khi đại dịch bắt đầu. Thầy Satheesha tự mình xây dựng lớp học đặc biệt này với vật liệu từ tre, cỏ khô... với tổng chi phí chỉ gần 5.000 rupee (khoảng 1,5 triệu đồng).

Lớp học trực tuyến của thầy với ứng dụng Google Meet, nhận được phản hồi rất tốt từ học sinh. “Tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc khi học sinh của mình có thể truy cập internet duy trì việc học. Các em đã háo hức biết nhường nào để được gặp lại thầy cô, bạn bè dù qua ứng dụng công nghệ dạy học từ xa. Bây giờ, chúng tôi có kết nối mạng rất tốt và các lớp học từ xa đang diễn ra thành công” - thầy Satheesha nói.

 Kể từ khi bùng phát đại dịch tại Philippines, các trường học đóng cửa, cậu bé 10 tuổi Jhay Ar Calma thường phải trèo lên mái tôn của nhà mình ở một khu phố nghèo ở Manila để lấy tín hiệu internet cho việc học từ xa.

Hay ở tỉnh Laguna, các sinh viên phải lên đồi cao để truy cập internet, và thậm chí còn dựng một túp lều để trú ẩn khi trời mưa và ngủ lại khi họ làm bài tập tận đêm khuya. “Đại dịch không có lý do gì để tôi ngừng học tập, phải vượt qua rào cản, khó khăn thôi” - sinh viên Rosemine Gonzaga (19 tuổi) lạc quan cho biết.

Mariam - một nữ sinh 14 tuổi sống ở vùng trung tâm Nord của Burkina Faso tạm dừng đến lớp ngay sau khi Covid-19 tấn công đất nước Tây Phi vào mùa xuân năm ngoái. Mariam rất lo lắng vì việc học gián đoạn. Nhưng cuối cùng, Mariam có thể quay trở lại việc học qua đài phát thanh và một chương trình đào tạo từ xa mà chính phủ Burkina Faso đang triển khai trên khắp nước này.

Mariam nói: “Giờ đây, khi đất nước chuẩn bị mở cửa trở lại nhiều trường học nhất có thể từ ngày 1.10 tới, tôi hy vọng các lớp học trên đài phát thanh sẽ cung cấp đủ kiến ​​thức cơ bản để giúp cô trở lại lớp học dễ dàng hơn”.

Burkina Faso cũng là đất nước có một lịch sử phong phú về học tập bằng âm thanh bắt nguồn từ “đài phát thanh nông thôn” vào những năm 1970, khi nông dân học về các phương pháp nông nghiệp mới nhất qua sóng phát thanh. Nhưng chương trình này đã được mở rộng đáng kể từ sau đại dịch Covid-19 và hiện là một phần trong kế hoạch trị giá hàng trăm tỷ của Bộ giáo dục Burkina Faso nhằm đảm bảo “tính liên tục giáo dục” cao hơn.

KIM OANH