Ngư dân tất tả phòng, chống bão số 5

VIỆT NGUYỄN 10/09/2021 23:03

(QNO) - Trong khi ngư dân lo lắng về chỗ neo đậu tàu cá tránh trú bão không an toàn thì các nông hộ nuôi cá trong lồng bè thấp thỏm âu lo vì sợ cá trôi sông do thời tiết xấu.

Nông hộ kéo lồng nuôi cá vào sát bờ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nông hộ kéo lồng nuôi cá vào sát bờ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Hối hả chằng giữ lồng bè nuôi cá

Sáng nay (10.9), nhiều nông hộ nuôi cá trong lồng bè tất bật mua dây thép để chằng chống, gia cố lại các bè nuôi cá. Ông Võ Ngọc Biển (thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) cho biết, đầu tư nuôi cá trong lồng bè đã hơn 5 năm qua nên các lồng bè có kết cấu tre, gỗ đã xuống cấp. Ông Biển thoăn thoắt cột chặt lại các lồng bè, xoay xở kết nối chúng với nhau để tránh bị bão đánh chìm.

“Quần quật từ sáng đến chiều mà 10 lồng bè vẫn chưa chắc chắn. Đưa 10 bè cá vào bờ thì sợ nước cạn thiếu ô xy, cá chết. Mà bão đến thường kèm với lũ, môi trường nước sông bị biến động mạnh, cá rất khó thích nghi để sống sót. Tổng số tiền tôi đầu tư hơn 700 triệu đồng, nếu thu hoạch thời điểm này giá trị gần 2 tỷ đồng. Chỉ mong bão không đến chứ không thì lo sợ thiệt hại quá lớn” - ông Biển nói. Cũng theo ông Biển, hiện 10 lồng cá có trọng lượng đến hơn 20 tấn cá sặc. Lượng cá còn nhiều do dịch bệnh Covid-19 hoành hành, khó bán. 

Anh Võ Ngọc Biển chăm sóc cá trong lồng bè. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Anh Võ Ngọc Biển chăm sóc cá trong lồng bè. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ở TP.Hội An hiện có hơn 2.000 lồng bè nuôi cá ở sông Cổ Cò đoạn chảy qua phường Cẩm An và Cửa Đại. Nhiều nông hộ mua dây thừng, dây thép buộc giữ các góc lồng bè với bờ. Đồng thời, neo sắt được thả để cố định vị trí của lồng không để sóng và gió to giật trôi. Các hộ cũng hàn thêm các thanh sắt và dùng dây thừng kết nối các lồng với nhau tạo thành mảng bè khá vững chắc…

Hộ ông Phạm Văn Sơn (khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại) với 20 lồng cá chẽm, cá điêu hồng, cá nâu, cá hồng đã gia cố khá vững chắc các lồng bè bằng tuýp nước và sắt… Cùng với đó, lưới ny lon được chuẩn bị để khi có bão, lũ sẽ căng bịt miệng lồng tránh cá thoát ra ngoài… “Hệ thống lồng bè nuôi cá được gia cố thêm để chắc chắn, hy vọng đủ khả năng chống chọi trước sóng to, gió lớn” - ông Sơn nói.

Nông hộ gia cố lồng bè nuôi cá. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nông hộ gia cố lồng bè nuôi cá. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, Quảng Nam hiện có hơn 7 nghìn lồng bè nuôi cá. Hiện cá đang đến kỳ thu hoạch nhưng khó bán do đại dịch Covid-19 nên lượng cá còn rất lớn. Ngành thủy sản khuyến cáo nông hộ có phương án bảo vệ lồng bè, chăm sóc cá nuôi nhưng không nên túc trực trên sông để đảm bảo an toàn tính mạng.

Thiếu chỗ neo đậu tàu cá an toàn

Lão ngư kỳ cựu Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) sở hữu đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ 5 chiếc, trong đó 3 đã vào bờ, 2 chiếc đang trên đường vào đất liền. Ông Cảnh lo lắng vì chưa biết neo đậu tàu cá ở đâu để đảm bảo an toàn.

“Khu neo đậu tàu cá An Hòa (xã Tam Quang và Tam Giang, Núi Thành) chưa sửa chữa xong nên chúng tôi bắt buộc phải neo đậu tàu cá ở sông Trường Giang. Con sông này rất rộng lớn, không được che chắn nên khi có gió bão thì sức tàn phá thật khủng khiếp. Chúng tôi chưa biết xoay xở thế nào để đảm bảo an toàn cho tàu cá”, ông Cảnh nói.

Tàu cá neo đậu không an toàn trên sông Trường Giang nếu có bão vào. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tàu cá neo đậu không an toàn trên sông Trường Giang nếu có bão vào. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ở TP.Hội An có âu thuyền Cửa Đại (phường Cẩm Nam) và khu neo đậu tàu cá Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) nhưng tàu cá công suất lớn không thể vào được 2 âu thuyền này. Ngư dân ở TP.Hội An và các huyện lân cận buộc phải đưa tàu cá đến các vùng sông nước kín gió để neo trú nhưng vào mùa mưa bão xảy ra tình trạng va đập làm hư hỏng tàu.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngư dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của mình để tìm nơi trú ẩn cho tàu cá khi bão đến. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương lập dự án nâng cấp, sửa chữa các khu neo đậu tàu an toàn hơn.

Ông Nguyễn Hồng Lam - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT cho biết, tỉnh không thể đầu tư cùng lúc cho tất cả các khu neo đậu tàu cá được. Từ nhiều nguồn ngân sách của Trung ương và tỉnh, hiện đang sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tàu cá An Hòa. Theo đó, đã gia cố các trụ neo, đang đầu tư đê chắn sóng và nạo vét luồng lạch để dễ dàng đưa tàu cá công suất lớn vào neo đậu. Theo dự kiến, đến tháng 10.2022, khu neo đậu tàu cá An Hòa sẽ hoàn thành. 

VIỆT NGUYỄN