Quảng Nam ra công điện về ứng phó với diễn biến bão số 5 và mưa lớn
* Dừng tất cả cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão(QNO) - Chiều nay 10.9, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công điện chủ động ứng phó với bão số 5 và mưa lớn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, lúc 13 giờ ngày 10.9, vị trí tâm bão số 5 (Conson) ở khoảng 15,7 độ vĩ Bắc; 112,2 độ kinh Đông, nằm trên vùng biển phía nam khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 - 100km/giờ), giật cấp 12.
Ngoài ra, hiện nay dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Trung Bộ nối với hoàn lưu bão số 5 đang hoạt động trên khu vực giữa và bắc biển Đông, bão có xu hướng di chuyển theo hướng Tây và Tây Tây Bắc.
Do ảnh hưởng của hệ thống thời tiết trên nên từ ngày 11 đến 13.9 các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tập trung từ chiều ngày 11 đến hết 12.9. Tổng lượng mưa phổ biến từ 150 - 250mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, ven sông, suối.
Để chủ động ứng phó với bão số 5 và mưa lớn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng sở, ban ngành, chủ tịch UBND các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản của UBND tỉnh đã ban hành, chủ động triển khai biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong Phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Đình hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng chống bão lũ cho đến khi bão tan. Lãnh đạo các sở, ban ngành, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn được phân công.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các địa phương ven biển nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) từ 17 giờ ngày 10.9 cho đến khi bão tan và tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.
Tiếp tục thông báo cho tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản vùng ven biển, trên đảo, trên lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy hải sản.
Hướng dẫn tàu thuyền đã vào bờ, khu neo đậu tránh bão sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn, tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, hoàn thành trước 18 giờ ngày 11.9.
Các địa phương tuyên truyền, phổ biến rộng rãi phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cấp huyện, cấp xã đến cộng đồng để nhân dân biết, chủ động ứng phó.
Phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai. Triển khai lực lượng xung kích phòng ở địa phương giúp nhân dân di chuyển đến tạm trú nơi an toàn, sẵn sàng thực hiện cứu nạn cứu hộ nơi khó khăn. Kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, ưu tiên tối đa hình thức di dời, sơ tán tại chỗ, xen ghép.
Huy động mọi lực lượng hỗ trợ nhân dân và cơ quan đóng trên địa bàn chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, chằng néo và có biện pháp bảo vệ trụ ăng ten… đảm bảo an toàn. Cắt tỉa cành, chằng chống cây tránh ngã đổ, khai thông cống rãnh để hạn chế thiệt hại do mưa lũ, hoàn thành trước 18 giờ ngày 11.9.
Đối với địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, trượt lở đất đá cần tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân chủ động di chuyển đến nơi an toàn khi quan sát khi thấy dấu hiệu bất thường như nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu,...
Các địa phương ven biển, cửa sông rà soát đảm bảo an toàn trụ sở sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão.
Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn. Nghiêm cấm tàu thuyền, đò ngang, đò dọc hoạt động trên sông, suối, hồ chứa nước và nơi ngập lũ sâu để chuyên chở người, hàng hóa.
Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ. Người dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày.
Kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố có thể xảy ra, sẵn sàng phương án ứng phó.
Thông báo chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, trên biển, hồ chứa nước, chủ phương tiện vận tải thủy, đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình bão và mưa lũ để chủ động biện pháp bảo đảm an toàn người, tài sản và phương tiện.