Phong phú nguồn dược liệu ở Cù Lao Chàm

QUỐC TUẤN 10/09/2021 12:10

Trong một phạm vi diện tích rừng không lớn, hệ sinh thái thực vật ở Cù Lao Chàm vẫn rất đa dạng, trong đó có nhiều loài dược liệu quý cần được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả và bền vững.

Cù Lao Chàm sở hữu tài nguyên dược liệu phong phú nhưng dễ suy thoái hơn các vùng khác do đặc thù tự nhiên, xã hội. Ảnh: Q.T
Cù Lao Chàm sở hữu tài nguyên dược liệu phong phú nhưng dễ suy thoái hơn các vùng khác do đặc thù tự nhiên, xã hội. Ảnh: Q.T

Nguồn tài nguyên quý

Hệ thực vật rừng ở Cù Lao Chàm thuộc kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới núi thấp. Có nét tương đồng với các khu vực lân cận như Sơn Trà (Đà Nẵng), Bắc Hải Vân (Thừa Thiên Huế), đây có thể xem là một phần cuối của hành lang xanh Trung Trường Sơn.

Theo kết quả nghiên cứu từ dự án “Điều tra đa dạng sinh học rừng đặc dụng Cù Lao Chàm” được thực hiện bởi Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) trong khuôn khổ dự án Trường Sơn Xanh (do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID tài trợ), Cù Lao Chàm có tới 492 loài và 766 lượt loài có giá trị sử dụng thuộc 9 nhóm công dụng khác nhau, trong đó nhóm cây có công dụng làm thuốc là 365 loài (chiếm 58,5%).

 Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, ở Cù Lao Chàm hiện tồn tại 21 loài cây thuốc thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm, trong đó có 9 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam. Công dụng chữa bệnh của nhóm cây dược liệu tồn tại trên đảo khá đa dạng, từ chữa bệnh ngoài da; bệnh về tiêu hóa, đường ruột; bệnh về tai mũi họng, răng miệng; bệnh xương khớp, phong thấp…

Người dân sinh sống trên đảo cho hay, có nhiều loài rất thông thuộc có thể bắt gặp khắp nơi trên đảo có công dụng chữa trị đã được người dân sử dụng từ lâu. Đơn cử như lá gai, không chỉ dùng làm bánh gai (đặc sản Cù Lao Chàm) hoặc đan võng mà rễ củ của nó có thể chữa cảm cúm, sốt, ho ra máu… khá hiệu quả.

Chú trọng bảo tồn

Mặc dù sở hữu hệ sinh thái dược liệu đa dạng, nhưng nguồn tài nguyên này được đánh giá là dễ bị tổn thương và đe dọa suy thoái hơn so với các vùng khác do yếu tố địa lý, sinh thái, kích thước quần thể loài cũng như đặc điểm lâm học.

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia từ Trường Đại học Nông lâm Huế và Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho thấy, nhóm trường hợp sau khi khai thác cây có thể phục hồi chỉ chiếm 21% tổng số lượt loài trong khi 79% còn lại có thể hạn chế sự phục hồi của cây và quần thể loài.

Việc khai thác lá rừng, dược liệu giúp cải thiện sinh kế người dân trên đảo. Ảnh: Q.T
Việc khai thác lá rừng, dược liệu giúp cải thiện sinh kế người dân trên đảo. Ảnh: Q.T

Hiện nay, một số loài cây thuốc ở Cù Lao Chàm có số lượng cá thể rất hạn chế cũng như đang bị suy thoái mạnh như thiên tuế, cam đường, dung chè, niệt gió… Trong đó, nhiều loài nhóm nghiên cứu chỉ ghi nhận 1 cá thể như phong ba, kim ngân, trâm hùng, sơn huyết…

Theo TS.Trần Minh Đức - Trường Đại học Nông lâm Huế, khả năng tái sinh tự nhiên từ hạt của cây dược liệu ở Cù Lao Chàm khá hạn chế do đặc điểm sinh cảnh không thuận lợi nên khó khôi phục quần thể.

Do tình hình kinh tế - xã hội ở xã đảo Tân Hiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ trong khoảng 10 năm qua, nhất là hoạt động du lịch phát triển cũng tạo ra những mối ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn tài nguyên này.

Có thể đề cập đến việc tổ chức quản lý bảo tồn tài nguyên rừng còn bất cập, khai thác lâm sản ngoài gỗ thiếu bền vững, mở rộng, phát triển hạ tầng phục vụ dịch vụ - du lịch, chăn thả gia súc thiếu kiểm soát…

Bà Huỳnh Thị Thùy Hương - Phó Trưởng phòng Truyền thông và phát triển cộng đồng (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) thông tin, năm 2020 ban quản lý có phối hợp với đơn vị tư vấn là Trung tâm Nghiên cứu và quản lý tài nguyên thu thập được số liệu thảm thực vật.

Đây là cơ sở góp phần phục vụ xây dựng bản đồ vùng phân bố, xác định danh mục 21 loài dây leo có ảnh hưởng đến cấu trúc rừng Cù Lao Chàm và xây dựng một số biện pháp lâm sinh để giảm thiểu ảnh hưởng của thực vật ngoại tầng đến sự phát triển của thực vật rừng.

QUỐC TUẤN