Thiếu vắc xin cho khu, cụm công nghiệp
Rất nhiều lao động làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, khiến nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn khó lường.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp
Ngày 31.8 vừa qua, lần đầu tiên 357 lao động làm việc tại Công ty Việt Vương (KCN Điện Nam – Điện Ngọc, Điện Bàn) được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Đây là nhóm đối tượng được xếp vào diện nguy cơ cao của công ty vì thường xuyên tiếp xúc với nhiều người như quản lý, bảo vệ, lái xe, giao nhận hàng…
Dù là một trong số ít doanh nghiệp có nhiều người lao đông được tiêm chủng trong đợt này, nhưng theo ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc Công ty Việt Vương, tỷ lệ công nhân được tiêm chưa đến 17,5%.
“Công ty có 2.050 lao động nên số được tiêm trên là rất ít, nhưng chúng tôi đành chịu vì phụ thuộc hoàn toàn vào lượng vắc xin phân bổ của tỉnh” - ông Kiên nói.
Tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc, tính đến đầu tháng 9, lượng vắc xin tiêm chủng cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, nhà máy ước gần 6.300 liều, đạt tỷ lệ khoảng 28,5% trong tổng số 22.000 lao động đang làm việc tại đây. Nhiều nhất là Công ty TNHH Giày Rieker Việt Nam (gần 1.200/11.000 lao động).
Ông Nguyễn Ngọ - Trưởng ban Quản lý KCN Điện Nam – Điện Ngọc cho biết, từ đầu năm 2021 đơn vị đã đề xuất tỉnh bố trí vắc xin tiêm cho tất cả lao động làm việc trong KCN nhưng do nhiều yếu tố khách quan, tỷ lệ tiêm chủng thực tế khá thấp. Trong khi, để thực hiện mục tiêu kép, tối thiểu phải 50 - 70% người lao động KCN phải được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Khảo sát một số KCN trên địa bàn tỉnh như Bắc Chu Lai, Tam Hiệp (Núi Thành), Tam Thăng (Tam Kỳ), Đông Quế Sơn (Quế Sơn)…, đa phần có tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 thấp.
Đơn cử, tại KCN Bắc Chu Lai, tỷ lệ tiêm hiện mới 23,3% (1.400 liều/gần 6.000 lao động). Tại KCN Tam Thăng, tỷ lệ tiêm khoảng 16,6% (hơn 2.100 liều/12.600 lao động), hầu hết mới tiêm mũi 1.
Theo ông Bùi Tấn Quí – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (đơn vị quản lý đầu tư 2 KCN Bắc Chu Lai và Tam Thăng), để đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định trong đại dịch, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tiêm đầy đủ vắc xin cho người lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm ngừa tại các doanh nghiệp trong các KCN chưa đạt dù đơn vị luôn thường xuyên đôn đốc.
Thiếu vắc xin
Có thể khẳng định, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, để duy trì sản xuất tại các KCN, vắc xin được xem là yếu tố đóng vai trò then chốt, nhưng thực tế tỷ lệ tiêm ngừa khá thấp. Thậm chí, tại nhiều CCN trên địa bàn tỉnh hầu như người lao động chưa được tiêm mũi nào.
Tại Công ty CP Prime Đại Lộc (CCN Đại Quang, Đại Lộc), mặc dù từ tháng 6.2021, doanh nghiệp này đã gửi danh sách 800 lao động của đơn vị đề nghị được tiêm chủng nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Đại Lộc có 18 CCN với khoảng 2.500 lao động đang làm việc tại 60 doanh nghiệp, dự án, hầu hết đều trong tình cảnh giống Prime. Tương tự, tại các CCN của Điện Bàn, Duy Xuyên…, số người được tiêm ngừa Covid-19 hầu như không đáng kể.
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn thông tin, 12.000 lao động/75 doanh nghiệp đang làm việc tại 10 CCN của thị xã đa phần chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam), quá trình tiêm vắc xin luôn được thực hiện đúng quy định và thứ tự ưu tiên, tuy nhiên do lượng vắc xin phân bổ có hạn nên việc bố trí tiêm cũng phải tính toán hợp lý.
Trong đó, những doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 100 người thì tiêm toàn bộ, doanh nghiệp có số người lao động từ vài trăm đến vài nghìn thì đợt tiêm đầu tiên sẽ ưu tiên nhóm người có nguy cơ cao.
Ông Trần Văn Kiệm – Giám đốc CDC Quảng Nam cho rằng, trong trường hợp vắc xin phân bổ về Quảng Nam ít như hiện nay, khó thể bao phủ tất cả người lao động tại các doanh nghiệp, nhất là trong các KCN, CCN nên phải chờ đợi, khi lượng vắc xin về nhiều hơn sẽ tổ chức tiêm rộng rãi.
Tính đến đầu tháng 9, tổng số vắc xin Bộ Y tế phân bổ về Quảng Nam gần 135 nghìn liều, khá thấp so với yêu cầu thực tế. Dự lường, thời gian đến lượng vắc xin cũng sẽ chưa nhiều. Trong khi đợt tiếp, theo CDC Quảng Nam, sẽ phải ưu tiên tiêm cho người già, người có bệnh nền và đội ngũ giáo viên vì năm học mới đã bắt đầu.
Theo ông Nguyễn Ngọ, trong khi chờ lượng vắc xin phân bổ dồi dào hơn, giải pháp căn cơ doanh nghiệp phải thực hiện là tuân thủ tốt các biện pháp phòng ngừa theo quy định của Bộ Y tế và UBND tỉnh như quy tắc 5K; thành lập các tổ an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong mỗi phân xưởng, bộ phận sản xuất nhằm theo dõi, kiểm tra người lao động trong quá trình thực hiện phòng chống dịch tại nơi làm việc…
Đặc biệt, tăng cường xét nghiệm sàng lọc định kỳ bằng phương pháp PCR tối thiểu 5 - 7 ngày/lần cho các bộ phận có nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với bên ngoài như bộ phận quản lý, chuyên gia, tiếp nhận hàng, nguyên vật liệu, lái xe…
Riêng với công nhân phải xét nghiệm sàng lọc tối thiểu 20 - 50% số lao động, đảm bảo phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm để có biện pháp ứng phó phù hợp, tránh làm đứt gãy hoạt động sản xuất tại mỗi doanh nghiệp.