Xây dựng nông thôn mới ở Thăng Bình: Khó về nguồn lực, tổ chức sản xuất
Tổ chức sản xuất kém, thiếu nguồn lực là những khó khăn lớn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Thăng Bình.
Nhiều rào cản
Huyện Thăng Bình đã có 16 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, năm nay xã Bình Định Nam được đánh giá lại sau 5 năm. Bình Định Nam đã đạt 17/19 tiêu chí, một trong 2 tiêu chí chưa đạt là tổ chức sản xuất.
3 mô hình liên kết sản xuất là trồng cây cà gai leo, nuôi gà thả vườn đồi và trồng hoa lan của Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Định Nam (HTX Bình Định Nam) đều gặp khó.
Về trồng cà gai leo, trong những năm 2019 - 2020, HTX Bình Định Nam liên kết theo chuỗi với Công ty CP Nghiên cứu & phát triển dược liệu Đại Việt (Công ty Đại Việt) nhưng đến nay dừng lại.
Ông Nguyễn Việt Thiên - cán bộ Công ty Đại Việt cho biết, trong 2 năm trước, cà gai leo sau khi được nông hộ thu hoạch, doanh nghiệp thu mua với giá 20 nghìn đồng/kg để chiết xuất, chế biến thành trà túi lọc.
Do dịch Covid-19, thị trường thu hẹp, làm ăn khó khăn nên Công ty Đại Việt không còn mua cà gai leo của người dân xã Bình Định Nam. Chuỗi liên kết đứt gãy khiến nông dân Bình Định Nam như ngồi trên lửa, thời điểm này cà gai leo đến kỳ thu hoạch nhưng không có người mua, bỏ không.
Ông Trương Công Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, dự kiến, nguồn lực thực hiện NTM ở các xã trong 5 năm (2021 - 2025) là hơn 611 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương, tỉnh gần 349 tỷ đồng, phần còn lại huyện sẽ nỗ lực lớn để có nguồn vốn từ ngân sách hơn 265 tỷ đồng. Đối với xây dựng huyện NTM, tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 xấp xỉ 1.419 tỷ đồng; theo đó, ngoài ngân sách của tỉnh hơn 832 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện sẽ cần hơn 496 tỷ đồng và huy động nguồn khác hơn 90 tỷ đồng.
Ông Châu Ngọc Dũng - Giám đốc HTX Bình Định Nam cho biết, mô hình gà thả vườn đồi đang triển khai cũng gặp khó. Do Covid-19 diễn biến phức tạp nên 2.000 con gà chưa biết tiêu thụ ở đâu. Tương tự, mô hình trồng hoa lan cũng lao đao ở khâu tiêu thụ. Như vậy, đến nay, cả 3 mô hình liên kết sản xuất được HTX Bình Định Nam thực hiện đều không đạt.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết, chính quyền địa phương đang nỗ lực hoàn chỉnh hồ sơ để gửi ngành chức năng đánh giá lại quá trình thực hiện NTM sau 5 năm được UBND tỉnh công nhận. Tuy vậy, chưa biết gỡ khó cho tiêu chí tổ chức sản xuất như thế nào.
Theo lộ trình, Thăng Bình đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2023. Huyện đã đạt 5/9 tiêu chí gồm quy hoạch, thủy lợi, điện, sản xuất, chỉ đạo xây dựng NTM; 4/9 tiêu chí chưa đạt chuẩn gồm giao thông, y tế - văn hóa - giáo dục, môi trường, an ninh trật tự.
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19, nguồn thu ngân sách hụt giảm lớn càng gây khó cho quá trình xây dựng huyện NTM.
Huy động nguồn lực
Năm 2021, có 7 khu dân cư đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu đã được Thăng Bình phê duyệt. Tuy nhiên nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh chỉ là 1,75 tỷ đồng, mới đủ phân bổ cho 3 thôn Lạc Câu (Bình Dương), Bình Phụng (Bình Quế) và Cao Ngạn (Bình Lãnh), 4 thôn khác hiện chỉ mới phân bổ 100 triệu đồng/thôn, không đủ nguồn lực thực hiện. Ở cấp xã, Bình Quế và Bình Lãnh theo lộ trình đạt chuẩn NTM năm 2022 nhưng do thiếu hụt kinh phí nên sẽ khó đảm bảo kế hoạch.
Ông Võ Văn Hùng đề xuất UBND tỉnh cho phép huyện tiến hành rà soát trong thời gian đến để đăng ký lại lộ trình thực hiện NTM. UBND tỉnh xem xét có cơ chế hỗ trợ nguồn lực để Thăng Bình xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2023. Cùng với đó, hỗ trợ nguồn lực cho các xã phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao, khu dân cư NTM kiểu mẫu hoàn thành đúng lộ trình.
Để xây dựng NTM ở Thăng Bình đi vào chiều sâu, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, địa phương cần chú trọng xây dựng thêm các chuyên mục, hướng dẫn, tuyên truyền các nội dung xây dựng NTM; phát động cuộc thi “khu dân cư NTM kiểu mẫu”, thi “vườn - tường - đường đẹp”. Huyện cần thông tin xây dựng NTM đến người dân bằng nhiều kênh khác nhau với nhiều hình thức và các nội dung phù hợp; lan tỏa những hình ảnh, kết quả đạt được, những kinh nghiệm tốt, cách làm hay, tấm gương tiêu biểu, qua đó, nhân rộng khắp các địa bàn.
“Thăng Bình cần coi trọng hơn nữa công tác nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp xã, cấp thôn, thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ cấp xã, cấp thôn để xây dựng NTM thông suốt” - ông Ngô Tấn nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, Thăng Bình có diện tích rộng lớn, tự nhiên phong phú, các vùng đông, trung và tây đều có tiềm năng lớn, cần khơi thông để xây dựng NTM, tạo cú hích phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến. Chính quyền địa phương cần huy động các nguồn lực, chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế, nhân rộng các cách làm kinh tế hay, đem lại giá trị kinh tế lớn cho người dân.
Điểm mấu chốt trong xây dựng NTM là cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng sống của người dân. Chính quyền từ huyện đến xã cần tập trung triển khai các công trình xây dựng NTM đã được giao vốn năm 2021, bảo đảm hoàn thành đúng nội dung, quy trình, xác lập các thủ tục thanh, quyết toán và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo đúng các quy định hiện hành.