Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp đã góp phần quan trọng trong việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, vì mục tiêu xây dựng Quảng Nam phát triển bền vững.
Đáp ứng nguyện vọng nhân dân
Tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua, HĐND tỉnh (khóa X) ban hành “Quy định cơ chế hỗ trợ di dời sắp xếp dân cư miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025”. Trước đó, để có cơ sở phản biện, góp ý hoàn thiện dự thảo đề án này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hai hội nghị tại các huyện Bắc Trà My và Tây Giang nhằm tham vấn ý kiến của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp huyện qua các thời kỳ, các vị già làng, người có uy tín của 6 huyện miền núi cao.
Các ý kiến phản biện do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tổng hợp, kiến nghị đã được Sở NN&PTNT - cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu nhiều nội dung để hoàn thiện dự thảo đề án. Đồng thời cũng là cơ sở góp phần gợi mở để đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại kỳ họp nhằm xây dựng nghị quyết chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
“Người đại biểu dân cử phải luôn sâu sát, lắng nghe đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri và tổng hợp gửi cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Bám sát, theo đuổi đến cùng kết quả giải quyết đối với các nguyện vọng chính đáng, vấn đề bức xúc cử tri nêu ra và có giải đáp, trả lời cụ thể cho cử tri biết chứ không để rơi vào im lặng. Thực hiện quy chế phối hợp giai đoạn 2021 - 2026, Thường trực HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tập trung phối hợp đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị, đề xuất tại kỳ họp HĐND tỉnh và kiến nghị sau các cuộc giám sát của hai bên. Chú trọng phối hợp giám sát đối với các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân đã được giám sát, kiến nghị nhưng chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để”.
(Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường)
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh, trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động lựa chọn, đăng ký và tổ chức phản biện xã hội đối với 11 đề án, dự thảo nghị quyết quan trọng thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2021.
Sau các hội nghị phản biện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của đại biểu đại diện các thành phần, lĩnh vực, các chuyên gia, người uy tín… góp ý vào dự thảo văn bản để kiến nghị với cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo trước khi trình HĐND tỉnh thông qua tại các kỳ họp. Tại các hội nghị phản biện, đại diện lãnh đạo thường trực, các ban của HĐND tỉnh được mời tham dự để nắm bắt thêm thông tin về các dự thảo đề án, các nghị quyết.
Ông Nguyễn Công Thanh cho biết, qua quá trình phản biện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị Thường trực HĐND tỉnh xem xét đưa ra khỏi chương trình xây dựng nghị quyết 2 dự thảo văn bản chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị tốt.
“Ngoài ra, thực hiện theo quy chế phối hợp, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân liên quan đến những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh để đề xuất với Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định bổ sung, sửa đổi và ban hành nhiều chính sách quan trọng, cụ thể hóa các chủ trương của Tỉnh ủy, chính sách, pháp luật của Nhà nước” - ông Thanh nói.
Tăng cường đối thoại
Từ kết quả hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đúc kết, thực hiện tốt việc tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức phản biện chính sách là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo các quyết sách HĐND tỉnh ban hành đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với thực tiễn và mang lại hiệu quả.
Trong điều kiện hiện nay, nhất là trong việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND tỉnh đều gắn với hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hai bên sẽ phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Bà Lê Thị Như Thủy - Trưởng ban Tuyên giáo, tổ chức, dân tộc, tôn giáo (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) chia sẻ, nội dung trả lời ý kiến cử tri của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh được đăng tải trên trang điện tử tỉnh có lượng tương tác, truy cập rất lớn, có thời điểm 2.000 người cùng truy cập. Đây là điều kiện để các cơ quan tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri trực tuyến do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Theo quy chế phối hợp, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo gửi dự thảo văn bản và các tài liệu cần thiết để Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện trước 10 ngày khai mạc kỳ họp của HĐND tỉnh. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Mặt trận lựa chọn nội dung phản biện phù hợp, kịp thời, đáp ứng được mong mỏi của cử tri.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca, để nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức tốt hình thức tiếp xúc cử tri chuyên đề theo từng đối tượng.
“Sắp tới, khi hệ thống truyền hình trực tuyến giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện kết nối thông suốt, chúng tôi sẽ tăng cường hoạt động đối thoại với cử tri. Cử tri có vấn đề bức xúc cần phản ánh, kiến nghị thì đến Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đăng ký, ở tỉnh chúng tôi mời Thường trực HĐND tỉnh đến dự lắng nghe cử tri phản ánh để có thông tin ngay, đầy đủ nhất. Có thể định kỳ nửa tháng sẽ tổ chức hình thức đối thoại này một lần…” - ông Ca nói.