Chung tay chăm sóc người khuyết tật
Chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật (NKT) trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp được các địa phương, cơ sở y tế xem là rất quan trọng. Trước đó, UBND tỉnh đã phê duyệt và ban hành kế hoạch trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có hơn 66.700 NKT, với gần 12.600 trường hợp thuộc diện đặc biệt nặng và hơn 45.700 người ở thể nặng. NKT có xu hướng tăng dần qua các năm, do quá trình già hóa dân số, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường và các rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn...
Chú trọng phục hồi chức năng
Phòng Phục hồi chức năng (PHCN) dành cho NKT vừa khai trương hồi giữa tháng 8 tại Phòng khám Đa khoa Khu vực Việt An (Bình Lâm, Hiệp Đức), cung cấp dịch vụ PHCN bước đầu cho 10 trẻ khuyết tật tại các xã trên địa bàn và vùng lân cận.
Đây là một trong các phòng PHCN nằm trong Dự án “PHCN và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2023” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế KOICA, tổ chức Medipeace, Bệnh viện Trường Đại học Chonbuk, Quỹ Phát triển Châu Á - ADF tài trợ cho Quảng Nam.
Dự án được hình thành với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ khuyết tật và gia đình trẻ khuyết tật thông qua các chương trình phục hồi chức năng một cách toàn diện, bền vững.
Medipeace là một tổ chức phi chính phủ về y tế nhân đạo tại Hàn Quốc với các hoạt động như nâng cao ý thức cộng đồng toàn cầu về y tế, sức khỏe bằng cách cung cấp, hỗ trợ nhân đạo và chăm sóc y tế cho các nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương.
Đại diện tổ chức Medipeace tại Việt Nam cho biết, dự án PHCN nhằm giúp những trẻ em khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng. Các địa phương cũng có thể dựa vào mô hình này để học tập và triển khai, đặc biệt xây dựng các phòng PHCN để giúp trẻ khuyết tật nhận được sự hỗ trợ điều trị lâu dài…
Tại Quảng Nam, trong khuôn khổ các hoạt động của dự án sẽ thành lập 12 phòng PHCN tuyến xã ở các địa phương Hiệp Đức, Núi Thành, Tiên Phước và TP.Tam Kỳ trong 3 năm 2021 - 2023. Đây được xem như nền tảng quan trọng để triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe cho trẻ khuyết tật trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, bắt đầu triển khai từ năm 2013 đến nay, tổ chức Medipeace đã giúp đỡ đơn vị rất nhiều trong công tác chăm sóc, điều trị cũng như hỗ trợ NKT phục hồi chức năng.
Ban đầu có nhiều trẻ chưa thể đi được, khả năng vận động còn yếu, các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày còn hạn chế, thế nhưng trải qua quá trình tập luyện ngày càng tiến bộ. Bên cạnh đó, tổ chức cũng tiến hành cho gia đình những trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hỗ trợ làm nhà, vay vốn phát triển kinh tế…
Chăm sóc trong mùa dịch
Chị Vương Thị Trúc Linh - Khoa PHCN thuộc Trung tâm Y tế Thăng Bình cho biết, chị được phân công chuyên trách trạm hỗ trợ tư vấn sức khỏe NKT mùa dịch. Công việc hằng ngày của chị là hỗ trợ các xã phối hợp cấp huyện thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe tại nhà cho NKT.
“Giúp đỡ NKT vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19, ngoài triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật, cán bộ y tế còn tổ chức hướng dẫn NKT phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và tập luyện PHCN” - chị Trúc Linh nói.
Với sự chung tay, giúp sức của cộng đồng và sự tự giác, chủ động của bản thân, NKT đang được hỗ trợ, bảo vệ trong mùa Covid-19, góp phần cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Chị Bùi Thị Duy Biển - cán bộ Trạm Y tế xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức cho biết, hằng ngày địa phương này tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ khuyết tật kết hợp tuyên truyền trên loa phát thanh địa phương.
Theo chị Biển, NKT là lực lượng yếu thế, là những đối tượng dễ bị tổn thương và không có hoặc ít khả năng phòng tránh các tác động tiêu cực từ xã hội, môi trường nên việc quan tâm, chăm sóc NKT là rất thiết thực và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Để phòng chống dịch bệnh, tự bảo vệ mình, hầu hết người dân nói chung và NKT nói riêng đều phải trang bị cho mình những vật tư y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn…
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam phấn đấu tất cả NKT thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí tại cộng đồng; NKT đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống đều được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội; khoảng 70% NKT tiếp cận dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau (giai đoạn 2026 - 2030 tăng thành 80%); có 30% số trẻ em khuyết tật nói riêng và NKT nói chung được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp (giai đoạn 2026 - 2030 tăng thành 40%)...
Kinh phí thực hiện được đảm bảo theo Luật Ngân sách Nhà nước và phân cấp ngân sách hiện hành, đồng thời được lồng ghép thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan đang triển khai và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.