Về nơi quê cũ

THÀNH LINH 06/09/2021 10:25

(QNO) - Vẫn có nhiều ưu tư trong lòng họ - những công dân được “giải cứu” khỏi tâm dịch Đà Nẵng và vừa hoàn thành đợt cách ly tại huyện Đông Giang. Đã qua rồi những lo lắng của ngày tháng sống lắt lay nơi phòng trọ, bà con bắt đầu nghĩ đến những việc sẽ làm, để có thể sống tiếp nơi quê nhà, chờ cơ hội.

Nhân viên y tế thường xuyên kiểm tra thân nhiệt, dặn dò người cách ly chấp hành nghiêm 5K. Ảnh: T.L
Nhân viên y tế thường xuyên kiểm tra thân nhiệt, dặn dò người cách ly chấp hành nghiêm 5K. Ảnh: T.L

Trở về nhà

Ngày 15.8, UBND huyện Đông Giang lập danh sách đón công dân của địa phương trở về. Người dân được yêu cầu phải mang theo giấy xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính và tập trung tại sân vận động xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) để trở về theo sự chỉ dẫn của đoàn Công an huyện Đông Giang.

Là sinh viên vừa tốt nghiệp, anh Ngô Văn Trung (xã Ba, Đông Giang) được nhận vào làm ở công ty điện nước tại quận Liên Chiểu (Đà Nẵng). Chưa được bao lâu thì dịch bùng phát, Trung trở thành F1, được đưa đi cách ly tập trung, sau đó lại phải cách ly tại phòng trọ.

Chật vật, khốn khổ xoay sở với từng bữa ăn do không thể ra ngoài, số tiền lương dành dụm sắp hết, Trung nhận thông tin Đà Nẵng tiếp tục “phong tỏa cứng” 7 ngày. Hơn hết, Trung tha thiết muốn được về quê. Nhận thông tin Đông Giang tổ chức đón công dân, anh lập tức liên lạc để xác nhận, gửi thông tin đăng ký.

“Tôi phải ăn mì tôm hơn một tuần trong những ngày tự cách ly tại phòng trọ. Khi nhận được thông báo đăng ký để về nhà, trùng hợp với thời gian cách ly vừa hết, tôi lập tức đăng ký để về” - anh Trung kể.

Cùng quê xã Ba với anh Trung, Nguyễn Văn Thông xuống xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) làm thợ lắp đặt điện nước, và rồi mắc kẹt lại do Đà Nẵng bùng dịch. Tin được đón về như một chiếc “phao cứu sinh” với anh Thông, khi phía trước là mịt mùng những nỗi lo: thất nghiệp, chật vật ở trọ, không thể ra ngoài mua thực phẩm.

Anh Thông nói, vẫn tin rằng Đà Nẵng sẽ sớm khống chế được dịch, song trong hoàn cảnh không có tiền trang trải hằng ngày do thất nghiệp, về nhà vẫn là giải pháp tối ưu nhất, lúc này.

Anh Sang cùng hai con trại tại khu cách ly. Ảnh: T.L
Anh Hôih Hồng Sang cùng hai con tại khu cách ly. Ảnh: T.L

Hơn hai tháng thất nghiệp, Hôih Hồng Sang (xã A Ting, Đông Giang) ở trọ cùng với hai con nhỏ 4 và 6 tuổi. Nhà máy nơi vợ anh làm việc thực hiện “3 tại chỗ”, vợ vào ở luôn tại công ty nên việc trông con phụ thuộc hết vào anh. Dù đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, nhưng trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh vào giữa tháng 8, dự đoán tình hình sẽ phức tạp, anh quyết định đưa con về.

Qua nhiều lần liên lạc, anh và hai con được điền tên vào danh sách công dân được đón về Đông Giang. Đó là tin vui lớn nhất của ông bố trẻ, khi anh còn chưa kịp tính toán việc phải sống tiếp thế nào ở thành phố, khi đã mất việc và bản thân không thể ra khỏi nhà trọ, và cả chuyện học của hai đứa trẻ.

Chỉ có một chuyến đi duy nhất được thực hiện vào ngày 15.8, hơn 150 công dân được UBND huyện Đông Giang đưa đi cách ly tập trung tại ký túc xá Trường THPT Quang Trung (thị trấn Prao). Từ chiều 15.8, UBND tỉnh có công văn dừng việc đón người về từ Đà Nẵng, trong bối cảnh thành phố này phong tỏa cứng. May mắn hơn nữa là toàn bộ chi phí cách ly tập trung sẽ được huyện Đông Giang hỗ trợ, giúp người dân an tâm trở về nhà.

Tin vào ngày mai

Mười bốn ngày là khoảng thời gian bắt buộc phải cách ly tập trung đối với công dân được đón về từ Đà Nẵng. Những ngày sau cách ly, luôn là câu hỏi đặt ra trong đầu nhiều người.

Trường THPT Quang Trung, nơi 150 công dân của huyện Đông Giang được đón về và cách ly tập trung.
Trường THPT Quang Trung - nơi 150 công dân Đông Giang được đón về và cách ly tập trung hồi giữa tháng 8.2021. Ảnh: T.L

Anh Trung tâm sự, hoàn thành cách ly, anh về nhà làm lại vườn rau cũ của gia đình. Nhà neo người, vườn rau này vốn đã bỏ hoang từ lúc anh xuống Đà Nẵng mưu sinh. Làm vườn lúc này có lẽ là phương án tối ưu nhất, vừa tự lo được cho mình, vừa không lo lắng thiếu đầu ra.

“Có thể sẽ phải mất một thời gian để làm quen, nhưng trong bối cảnh này, ai rồi cũng phải thích nghi. Được về nhà đã là một may mắn lớn. Ở quê, dịch đỡ phức tạp hơn, vẫn có thể sống được và dễ sống hơn nhiều so với ở thành phố. Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế” - anh Trung chia sẻ.

Làm gì để sống, sau khi trở về nhà cũng là suy nghĩ chung của nhiều người tại khu cách ly. Anh Nguyễn Văn Thông nói, nghề điện nước của anh vẫn có thể kiếm được thu nhập sau khi trở về nhà, dù không được cao so với trước đây. “Lúc này, tiền có thể không kiếm được, nhưng sức khỏe vẫn là điều quan trọng nhất. Tôi vẫn còn quá may mắn vì có thể trở về, so với hàng trăm nghìn người đang hết sức khó khăn ở vùng dịch” - anh Thông chia sẻ.

Sẽ có những chênh chao nhất định với họ - những người vừa sấp ngửa rời Đà Nẵng. Nhưng trên hết, họ vẫn cảm thấy may mắn và an tâm khi đã được trở về, lúc quê nhà vẫn đang kiểm soát tốt tình hình, những lá chắn phòng dịch được kích hoạt hiệu quả.

Bình an lúc này, quý hơn ngàn vạn điều ngoài kia. Họ vẫn giữ cho mình niềm tin dịch bệnh sớm được khống chế, chờ đợi cơ hội trở lại với chính mình.

THÀNH LINH