Quảng Nam và khát vọng công nghiệp hóa
Đầu năm 1997, tỉnh Quảng Nam được tái lập. Lúc đó, Quảng Nam là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, nền kinh tế với cơ cấu nông nghiệp là chủ yếu, nhưng với khát vọng làm cho dân giàu, tỉnh mạnh, Đảng bộ tỉnh đã đề ra chiến lược phát triển Quảng Nam theo hướng công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa. Đó là sự lựa chọn tất yếu!
Từ tư duy và mô hình...
Trước hết, phải nói đến việc học tập nghiêm túc và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, nhất là của các “con rồng châu Á” mới nổi lúc đó như Hàn Quốc, Singapore… Họ tiến hành CNH đất nước trong quãng thời gian ngắn 25 - 30 năm, trong khi các nước trước đó như Nhật Bản phải mất gần 100 năm. Có thể khẳng định, nguyên nhân căn bản là họ nắm bắt thời cơ và thật sự dựa vào khoa học - công nghệ để tiến hành CNH.
Thứ hai, tư duy CNH Quảng Nam là kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa của vùng đất mở. Như chúng ta đều biết, để có được một Đàng Trong tồn tại và phát triển, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã có nhiều chính sách mang tính đột phá, trong đó chọn con đường mở cửa, hội nhập quốc tế, lập thương cảng Hội An để các thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan… vào buôn bán.
Chúa Nguyễn còn có cơ chế để người Nhật, người Trung Hoa đến lập phố buôn bán cùng người Việt tại Hội An. Tổ tiên làm được như vậy, tại sao chúng ta chưa làm được? Xuất phát từ ý nghĩ đó, Quảng Nam đã đề xuất với Trung ương cho phép thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế mở đầu tiên của nước ta.
Thứ ba, chuyển hướng tư duy CNH từ thực hiện các cơ chế “trải thảm đỏ” sang tư duy phát triển bền vững, tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá. Từ khi tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam chủ trương thu hút đầu tư trong và ngoài nước bằng chính sách “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Đến năm 2006, cơ chế “trải thảm đỏ” không còn phù hợp, mà phải đổi bằng tư duy phát triển bền vững và lựa chọn những hướng đột phá nhằm tập trung nguồn lực cho phát triển. Đó là, đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đột phá trong phát triển nguồn nhân lực và đột phá trong tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.
Thứ tư, tư duy CNH Quảng Nam dựa vào nền tảng và mục tiêu mang đậm tính nhân văn. Quảng Nam vốn là một tỉnh thuần nông, khi chia tách tỉnh có hơn 70% dân số và lao động trong lĩnh vực nông nghiệp; là một tỉnh còn chịu nhiều di chứng do chiến tranh để lại, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH để làm giàu cho dân.
Mô hình CNH Quảng Nam không chỉ trong xây dựng, phát triển các ngành, khu - cụm công nghiệp, mà cùng với đó là giải quyết tốt vấn đề “tam nông”; phát triển kinh tế - xã hội miền núi; giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, nhất là tại các vùng dự án, chú trọng đào tạo chuyển đổi ngành nghề nông thôn.
Thứ năm, tư duy CNH Quảng Nam là kế thừa và phát triển. Qua 20 năm xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu để kế thừa cũng như tạo tư duy đột phá tiến hành CNH Quảng Nam, như vấn đề quy hoạch vùng, quy hoạch các khu công nghiệp, quy hoạch đô thị...
Để tiến hành CNH, cùng với phát triển các ngành mũi nhọn, theo hướng phát triển song song công nghiệp và dịch vụ, Quảng Nam đã quy hoạch thành hai vùng động lực: vùng Đông và vùng Tây. Hai vùng này có những lợi thế, tiềm năng khác nhau, cần khai thác, sử dụng hợp lý để phát huy, tác động tương hỗ, tạo sự cộng hưởng cho sự phát triển chung của tỉnh.
...đến kết quả đạt được
Lúc tái lập tỉnh, Quảng Nam mới chỉ có Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn). Sau 20 năm tiến hành CNH, nhất là hơn 10 năm trở lại đây, ngoài Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, toàn tỉnh có hàng chục khu công nghiệp và cụm công nghiệp ở các địa phương.
Có thể thấy rằng, đến năm 2010, Quảng Nam định hình được những mũi nhọn CNH của tỉnh, trọng tâm là công nghiệp cơ khí - sản xuất ô tô, điển hình là Thaco Chu Lai - Trường Hải. Bên cạnh đó là phát triển du lịch và dịch vụ chung quanh phố cổ Hội An.
Năm 2010, Thaco sản xuất khoảng 30.000 ô tô các loại, nộp ngân sách hơn 1.533 tỷ đồng. Ngoài Thaco, Khu kinh tế mở Chu Lai lúc đó đã thu hút 65 dự án đầu tư với 1,5 tỷ USD đăng ký.
Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế của tỉnh gần 109.000 tỷ đồng; cơ cấu chuyển dịch rất tốt theo hướng công nghiệp - dịch vụ (nông nghiệp 11%; công nghiệp - xây dựng 37,5%; dịch vụ 33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 18,5%); kết cấu hạ tầng được tăng cường, giao thương trong và ngoài tỉnh được mở rộng; bộ mặt của tỉnh từ nông thôn đến thành thị có nhiều thay đổi.
Gần 25 năm trôi qua, kể từ khi tái lập tỉnh, Quảng Nam từ một tỉnh nghèo, đã vươn lên thành một tỉnh phát triển ổn định theo hướng CNH, mở ra những tiền đề phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, so với nhiều địa phương tương đồng về lợi thế cạnh tranh thì sự phát triển của Quảng Nam chưa tương xứng. Chính vì vậy, tại Đại hội lần thứ XXII (tháng 10.2020), Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu chiến lược đến năm 2030 đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Đại hội nhấn mạnh, tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp sáng tạo.
...và chặng đường phía trước
Cũng như tình hình chung của cả nước, Quảng Nam đang chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân và sản xuất, tốc độ tăng trưởng giảm nhiều so với trước, ảnh hưởng lớn đến việc triến khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.
Thách thức lớn là làm thế nào để có thể đạt được, hoặc chí ít cũng gần đạt được các mục tiêu Đại hội đề ra. Mặt khác, bài toán đặt ra là làm thế nào để vừa chống được dịch vừa phát triển được kinh tế - xã hội.
Thiết nghĩ, các cấp, các ngành, trước hết cấp lãnh đạo cũng phải “đổi mới tư duy” để lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó có vấn đề “nghiên cứu dự báo” và rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển để có hướng điều chỉnh phù hợp, trong đó có điều chỉnh cơ cấu.
Trong điều kiện dịch bệnh và cả sau khi hết dịch, nên có cơ chế khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả lĩnh vực, trong đó có GD-ĐT, thương mại, hành chính. Rà soát quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, tranh thủ thời cơ trong phòng chống dịch để xúc tiến đầu tư online nhằm thu hút đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, vận tải quốc tế, xúc tiến tham gia hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây khi cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắk Tà Oọc đã được công bố; trong đó, cần xúc tiến để đầu tư các dự án lớn đã được quy hoạch.
Phát huy kết quả khởi nghiệp tại chỗ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa đầu tư trong và ngoài nước tạo làn sóng thu hút đầu tư sau dịch; tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và trong nước, nhất là các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hợp tác giữa các địa phương trong tỉnh…
Khát vọng CNH Quảng Nam, không chỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, mà còn làm thế nào để khát vọng đó lan truyền khắp mọi miền, trong và ngoài nước, đến với những người có khát vọng CNH về Quảng Nam lập nghiệp!