Người Cơ Tu nhớ ơn Bác

ĐĂNG NGUYÊN 02/09/2021 05:56

Trên mỗi bàn thờ gia đình luôn có một không gian riêng rất trang trọng dành thờ di ảnh của Bác Hồ. Đó là cách mà người Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn đến Người.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng dâng hương bên bàn thờ Bác Hồ tại gươl xã Lăng (Tây Giang). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng dâng hương bên bàn thờ Bác Hồ tại gươl xã Lăng (Tây Giang). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Bác ở trong tim

Ngày lễ gia đình, nhưng già làng Clâu Nhấp (thôn Pơr’ning, xã Lăng, Tây Giang) vẫn không quên thắp nén hương trước ảnh thờ Bác. Già Nhấp nói, đã thành thói quen, hễ có dịp vui nào đó, ông đều thắp hương cho tổ tiên và Bác Hồ để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn và cầu mong sự bình an. Già Nhấp cũng như hàng nghìn hộ đồng bào Cơ Tu khác ở Trường Sơn, xem thờ Bác như trách nhiệm của bản thân, như cháu con thờ phụng tiên tổ, ông bà.

Người Cơ Tu bày trí ảnh Bác ở không gian giữa bàn thờ. Hai bên là di ảnh của người thân quá cố. Việc đặt ảnh Bác ở trung tâm là thể hiện sự kính trọng, bởi “có Bác, có Đảng mới có cuộc sống hôm nay”. Trên mỗi không gian thờ, luôn có quốc kỳ được đặt trang trọng, bày trí đối xứng bởi các đồ vật có giá trị như ché, chiêng và các loại lư đồng, bình gốm...

“Ngày tết, trên bàn thờ Bác, ngoài hoa quả và bánh kẹo, người Cơ Tu sửa soạn thêm bánh sừng trâu, cùng một số sản vật khác. Tất cả được đặt trên tấm thổ cẩm. Mỗi buổi sáng và tối, hương khói được thắp lên thể hiện tấm lòng của chủ nhà với trời đất, với tổ tiên và Bác Hồ. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống mà người Cơ Tu luôn nhắc nhở cháu con gìn giữ” - già Nhấp nói.

Không chỉ ở trong nhà, trên từng mái gươl, moong (nhà văn hóa truyền thống) của người Cơ Tu cũng có ảnh thờ Bác. Già làng Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, trong sự kiện nào đó quan trọng của cộng đồng, ngoài cúng tế thần linh theo phong tục, thắp nén hương cho Bác đã trở thành văn hóa chung của nhiều thế hệ người Cơ Tu ở vùng Trường Sơn. Bởi, được sống trong thời bình như hôm nay cũng “nhờ Đảng, nhờ Bác mà có”. Vì thế, dù cuộc sống có thể còn nhiều khó khăn nhưng công lao trời biển của Đảng và Bác Hồ, người Cơ Tu không cho phép con cháu mình được quên.

“Thờ ảnh Bác là việc làm nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa rất lớn, rất đặc biệt và thiêng liêng. Bởi, với người Cơ Tu, Bác Hồ luôn ở trong trái tim cộng đồng, như vị trí của gươl, moong được đặt ở trung tâm ngôi làng, hiện diện cho mong ước cuộc sống ấm no, hạnh phúc mỗi ngày. Đó là nghĩa cử cao đẹp mà người Cơ Tu nào cũng hướng đến” - già Y Kông chia sẻ.

Niềm tin gắn kết

Người Cơ Tu không phân biệt mình với dân tộc khác. Ngoài Acoon Kinh (đồng bào Kinh), còn lại đều là Acoon Coh (đồng bào thiểu số) và… Cơ Tu. Điều đó, thể hiện tính cộng đồng rất cao, gắn kết tất cả con dân sinh sống trên mọi miền đất nước. Đó là cách mà người Cơ Tu muốn hàn gắn và xoa dịu nỗi đau cũ, khi hàng trăm năm trước, các tộc người vùng cao chìm đắm trong hủ tục “nợ máu, trả đầu”.

Đồng bào Cơ Tu ở xã Sông Kôn (Đông Giang) rước tượng Bác trong ngày hội truyền thống những năm trước. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đồng bào Cơ Tu ở xã Sông Kôn (Đông Giang) rước tượng Bác trong ngày hội truyền thống những năm trước. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhưng, theo già làng Y Kông, kể từ khi có Đảng, có Bác Hồ và phong trào cách mạng, mọi thù hận, ân oán cũ giữa đồng bào các dân tộc đã được hóa giải. Thay vào đó, cộng đồng vùng cao ngày càng gắn kết niềm tin, nhiều lớp thanh niên vùng lên đấu tranh chống giặc Pháp và Mỹ, nghe theo Đảng và làm cách mạng.

Tiêu biểu, là sự kiện pr’ngoóch gương yên (lễ ăn thề kết nghĩa anh em) giữa cộng đồng người Cơ Tu các huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, diễn ra tại khu vực Bến Hiên (xã Kà Dăng, Đông Giang) vào thời kỳ Pháp thuộc. Đây được xem là sự kiện trọng đại bậc nhất thời bấy giờ, thể hiện tinh thần đoàn kết, chấm dứt chuỗi hành động gây hiềm khích trong cuộc nội chiến “têng brâu”.

Những năm tháng đấu tranh chống Mỹ, hình ảnh, câu chuyện Bác Hồ được lan tỏa khắp bản làng vùng cao, thôi thúc người Cơ Tu và các dân tộc anh em khác vùng lên đánh giặc. Từ bột phát, nhiều phong trào cách mạng vũ trang nổi lên khiến quân giặc khiếp sợ.

Tiêu biểu, các trận đánh tại đồn Ga Lâu (Đông Giang); đồn A Ró (Tây Giang); đồn Gơ Le (Nam Giang)… tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu về nhiều vũ khí và đạn dược phục vụ cách mạng.

“Sau giải phóng, người Cơ Tu bắt đầu thờ ảnh Bác. Có nhà, trên bàn thờ chỉ duy nhất di ảnh Bác Hồ. Vào các ngày Tết Nguyên đán, Tết Độc lập, lễ cưới, ăn hỏi… đều thắp hương cho Bác. Thậm chí, cả ở gươl đều treo ảnh Bác để thờ cúng rất trang trọng” - già Y Kông nói.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, trong các dịp lễ hội văn hóa truyền thống, người Cơ Tu ở các huyện miền núi đều tổ chức hoạt động dâng hương, rước ảnh Bác Hồ, tạo nên không khí ngày hội thêm ý nghĩa và ấm áp.

ĐĂNG NGUYÊN