Lá quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam trên đất Quảng

NGUYỄN HOÀNG THÂN 02/09/2021 04:36

Các nhà nghiên cứu lịch sử giả định rằng, nếu cuộc khởi nghĩa Duy Tân từ 105 năm trước (1916) do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo dưới “chỉ đạo” của Việt Nam Quang Phục hội (VNQPH) thành công thì ngọn quốc kỳ Ngũ tinh liên châu đã phấp phới trên kỳ đài kinh thành Huế. Lịch sử không có “nếu như”. Nhưng lá quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam tung bay lần đầu ở đất Quảng là sự thực lịch sử.

Quốc kỳ Ngũ tinh liên châu theo mô tả trong cuốn tự truyện nhan đề là “Tự Phán” của cụ Phan Bội Châu.
Quốc kỳ Ngũ tinh liên châu theo mô tả trong cuốn tự truyện nhan đề là “Tự Phán” của cụ Phan Bội Châu.

Cờ Ngũ tinh liên châu

Cờ đỏ sao vàng - cờ Tổ quốc là niềm tự hào thiêng liêng của mỗi người con trên đất mẹ Việt Nam, hiện diện khắp bốn bể năm châu. Nhưng trước đó, Việt Nam đã có một loại quốc kỳ với tên gọi Ngũ tinh liên châu.

Đến giữa cuối thời Nguyễn, Việt Nam chỉ có cờ hiệu của nhà vua: Long tinh kỳ (1863 - 1885; 1920 - 9.3.1945; 2 giai đoạn với hai hình thức khác nhau), Đại Nam kỳ (1885 - 1890), cờ vua Thành Thái (1890 - 1920). Vì vậy, cụ Phan Bội Châu từng nói rằng “xưa nay nước ta chỉ có cờ Hoàng đế mà không có cờ nước” và cho đó là “một việc quái gở”, tức không giống các nước trên thế giới.

VNQPH thành lập vào năm Nhâm Tý (1912) tại Trung Quốc. Theo đó, cờ Ngũ tinh liên châu cũng ra đời vào thời kỳ này. Đây chính là quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam. Phan Bội Châu cho biết “VNQPH mới chế định ra quốc kỳ, gọi bằng cờ Ngũ tinh, dạng thức dùng bằng ngũ tinh liên châu” và giải thích là: “Nhân vì nước ta có 5 đại bộ, cho nên dùng thức này để tỏ rõ cái ý 5 đại bộ liên lạc thống nhất. Sắc cờ dùng hoàng địa hồng tinh làm cờ nước, hồng địa bạch tinh để làm cờ quân. Hoàng là để biểu thị nhân chủng ta, hồng là biểu thị sắc nước ta: Nam phương thuộc hỏa, hỏa sắc hồng đó vậy. Quân kỳ sở sĩ dùng bạch tinh, là tỏ rõ mục đích quân, cốt đánh đổ chính phủ người trắng”.

Trong bản thủ bút chữ Hán “Phan Sào Nam niên biểu”, Phan Bội Châu đã vẽ lại mô hình cờ Ngũ tinh liên châu. Tiếc rằng, ông không nêu rõ tỷ lệ kích cỡ, vị trí của ngũ tinh liên châu “hồng tinh” trên mặt bằng “hoàng địa” của lá cờ.

Song, dựa vào các quân dụng phiếu của Việt Nam Quang Phục quân sẽ thấy được quân kỳ và quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam. Việt Nam Quang Phục quân dụng phiếu là một loại “giấy bạc” của chính phủ lâm thời VNQPH, được in tinh xảo bằng điện ở Hồng Kông. Những tờ quân dụng phiếu này là tư liệu lịch sử về sự hình thành và phát triển quốc kỳ của Việt Nam.

Lần đầu tung bay trên đất Quảng

Việt Nam đầu thế kỷ 20 có nhiều biến chuyển và đầy biến động. Trong đó, đất Quảng là nơi khai mào cho nhiều phong trào và chính biến: phong trào Duy tân, cuộc vận động tân văn hóa, Quảng Nam học hội, phong trào Đông du; phong trào Cần vương - Nghĩa hội Quảng Nam, cuộc chính biến Mậu Thân 1908, cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916…

VNQPH do Phan Bội Châu làm Hội Tổng lý. Cụ Phan vốn chủ trương bạo động, lại nghe ý kiến tham mưu của 3 ủy viên trong nước: “Muốn vận động quân đội ở trong nước, tất phải có một tiếng kinh thiên động địa, thì vận động mới có hiệu lực”. Do đó, Hội đã cấp tiền cho những hội viên tự nguyện về nước tổ chức “kịch liệt bạo động”.

Bắc kỳ có Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Trọng Thường; Trung kỳ có Hà Đương Nhân, Đặng Tử Vũ (từ Trung Quốc qua ngả Thái Lan để về); Nam kỳ có Bùi Chính Lộ (cũng từ Trung Quốc qua đường Thái Lan để về). Theo đó, những hoạt động của hội trong giai đoạn này: ném tạc đạn (chá đạn) khủng bố, mưu sát toàn quyền Merlin, đánh đồn Tà Lùng (Cao Bằng), khởi nghĩa Thái Nguyên, phá ngục Lao Bảo, mưu khởi nghĩa ở Trung kỳ…

Thái Phiên giữ liên lạc với VNQPH và sau đó cùng Trần Cao Vân, Lê Đình Dương trở thành lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân ở Trung kỳ. Trần Cao Vân đã kêu gọi mọi người qua bài thơ “Gửi các sĩ phu yêu nước”, có những câu: “Hạ bút tả đôi hàng quốc ngữ/ Gửi thông tri các giới sĩ phu/ Nước nhà trải mấy nghìn thu/ Gặp cơn sóng gió mịt mù phải lo”.

Nguyễn Trương Đàn, dựa vào tài liệu số 120 hồ sơ 65530 Cuộc biến loạn ở Trung kỳ 1916 lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp  ở Aixen Provence, cho biết bức Điện số 107S ngày 4.5.1916 của Khâm sứ Trung kỳ Charles gửi Toàn quyền Đông Dương Roume có nội dung: “… Hội An điện báo việc xảy ra ở Tam Kỳ vào lúc 2 giờ đến 4 giờ sáng (…). Tòa phủ của quan phủ bị phá hoại… Quân phiến loạn đã kéo cờ tại phủ đường. Cờ màu đỏ, ở góc trên là màu xanh với 5 ngôi sao trắng…”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương cho biết thêm, chiều 3.5.1916, các đội nghĩa binh gồm hơn 300 người đã bí mật tập kết tại Gò Chùa kín đáo để làm lễ tế cờ Ngũ tinh”. Như vậy, đất Quảng là nơi kéo cờ Ngũ tinh liên châu đầu tiên trong cả nước.

Ngoài ra, nhà nghiên cứu Chương Thâu có nhắc đến việc cờ Ngũ tinh liên châu được “đem dùng ở Quảng Nam trên núi Ngũ Hành trong lúc Thái Phiên, là hội viên của Hội (Việt Nam Quang Phục - NV) tham gia cuộc nổi dậy của vua Duy Tân (1916)”, nhưng tiếc ông không dẫn nguồn.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Lê Ước cho biết: “Quảng Nam và Quảng Ngãi dốc toàn lực của lính tập và dân chúng chiếm giữ cửa biển Đà Nẵng để quân lực viện trợ từ Xiêm về nước đổ bộ lên bờ và để mở đường thông suốt từ Đà Nẵng vào tận Đức Phổ”. Phải chăng cờ Ngũ tinh liên châu này được cắm trên Ngũ Hành Sơn như Chương Thâu viết là để báo hiệu cho đoàn quân từ biển hướng vào?

Một năm sau - năm 1917, quốc kỳ và quân kỳ đầu tiên của nước ta đã bay phần phật suốt 7 ngày đêm trên tỉnh lỵ Thái Nguyên từ ngày 30.8 đến 5.9.1917, theo ghi chép của Trần Viết Ngạc. Sự kiện này cũng ngẫu nhiên trùng khớp với “tiên  tri” của Trần Cao Vân qua câu thơ “Nước Nam Việt cơ đồ lớn sẵn/ Từ Trấn Tây mà thẳng Thái Nguyên” khi viết “hịch” vận động giới sĩ phu tham gia khởi nghĩa năm 1916.

NGUYỄN HOÀNG THÂN