Sarah Gilbert: "Hiệp sĩ" vắc xin
Không chỉ đóng góp to lớn trong việc sáng chế vắc xin nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 toàn cầu, Sarah Gilbert cũng là nhà khoa học giúp các nước có thể mua được vắc xin AstraZeneca với giá rẻ.
Khoảng 1 năm sau khi bùng phát đại dịch Covid-19, vắc xin Astrazeneca của Đại học Oxford hợp tác với hãng dược nổi tiếng AstraZeneca của Anh chính thức được chính phủ Anh phê duyệt sử dụng khẩn cấp, vào tháng 12.2020.
Hai tháng sau đó, vắc xin này được sự phê chuẩn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với mục đích tương tự. Đến nay, vắc xin phòng Covid-19 bao gồm liều 2 mũi tiêm và được khuyến nghị dùng cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên được sử dụng tại 170 quốc gia trên thế giới với hàng trăm triệu liều.
Với thành quả to lớn đó, nhà khoa học nữ Sarah Gilbert, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu và phát triển vắc xin AstraZeneca vừa được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ Đế chế Anh (DBE).
Không những thế, Sarah Gilbert còn được tập đoàn sản xuất búp bê nổi tiếng Mattel của Mỹ tặng búp bê Barbie tạo hình theo hình dáng của chính bà. Sarah Gilbert hy vọng, mẫu búp bê này sẽ giúp khơi dậy niềm đam mê theo đuổi các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật… của trẻ em gái trên toàn thế giới.
Sarah Gilbert sinh năm 1962 tại Kettering, hạt Northamptonshire của nước Anh, có cha là nhà kinh doanh giày và mẹ là giáo viên tiểu học. Sarah Gilbert tốt nghiệp cử nhân ngành sinh học tại Đại học East Anglia rồi tiếp tục học tiến sĩ hóa sinh chuyên ngành di truyền học tại Đại học Hull của Anh quốc.
Nhà vi rút học Sarah Gilbert của Đại học Oxford từ năm 1994 bắt đầu hành trình nghiên cứu vắc xin phòng các loại vi rút cúm, phòng bệnh sốt rét đến phòng chống Ebola và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Bà cũng là người đồng sáng lập Vaccitech, một công ty công nghệ sinh học chuyên phát triển vắc xin và liệu pháp miễn dịch cho các bệnh truyền nhiễm, ung thư, viêm gan B, HPV và ung thư tuyến tiền liệt...
Chỉ một tuần sau khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố cấu trúc di truyền của loại vi rút SARS-CoV-2, nhóm nghiên cứu của bà Sarah Gilbert đã thiết kế xong vắc xin vì cuộc chiến chống Covid-19, cứu sinh mạng của nhiều người.
Cơ quan Y tế công cộng Anh cho biết, liều 2 mũi vắc xin AstraZeneca có hiệu quả 92% trong việc giảm số ca nhập viện do Covid-19 bao gồm biến thể Delta và chưa có trường hợp tử vong trong số những người được tiêm chủng.
Trong cuốn sách “Vaxxers: The inside story of the Oxford vaccine and the race against the virus”, Sarah Gilbert nói: “Ngay từ đầu, chúng tôi xác định đây là một cuộc chạy đua chống lại vi rút mới cực kỳ nguy hiểm, không phải cuộc chạy đua với các nhà phát triển vắc xin khác.
Tôi có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ từ phát triển vắc xin, nhưng tôi từ chối nhận bằng sáng chế vắc xin vì muốn chia sẻ công nghệ này để mọi người có thể sản xuất vắc xin”.
Khác với các loại vắc xin ngừa Covid-19 do các hãng dược Pfizer và Moderna của Mỹ sản xuất hiện được bán với giá khoảng 25 - 30 USD/liều, giá của vắc xin AstraZeneca chưa đến 3 USD/liều.
AstraZeneca hy vọng chi phí và doanh thu của họ cho việc tiêm chủng cuối cùng sẽ đồng đều. Chính điều này sẽ giúp các nước đang phát triển, các nước nghèo có thể tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19 dễ dàng hơn. Đó là chìa khóa, là hy vọng góp sức để thế giới ngăn chặn đại dịch corona.