Sinh kế từ rừng dừa nước Tịch Tây

LÊ VĂN VINH 01/09/2021 05:50

Có một vùng quê bình lặng nép mình sát chân núi, cách quốc lộ 1 hơn cây số lại sở hữu một cánh rừng dừa nước lên đến 24,7ha. Trong đó có 6,1ha là dừa tự nhiên góp phần ứng phó hiệu quả, bền vững với biến đổi khí hậu hiện nay.

Rừng dừa nước Tịch Tây vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ.Ảnh: L.V.V
Rừng dừa nước Tịch Tây vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ.Ảnh: L.V.V

Đó là một vùng quê thuộc thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành. Từ cầu An Tân thuộc quốc lộ 1 nhìn về hướng tây nam, nơi con sông Bến Đình chảy xuôi về sông Bến Ván An Tân, ngược dòng khoảng 1km theo đường chim bay sẽ đến được rừng dừa.

Dấu tích “Sát Dừa Bờ Điền”

Từ buổi xa xưa không ai gọi nơi đây là rừng dừa mà họ gọi bằng một cái tên thật lạ: “Sát Dừa Bờ Điền’’. Gọi như vậy là bởi, ông cha thuở trước đã đem dừa về trồng ven bờ đê nhằm bao bọc và giữ gìn chân đê để ngăn nước mặn không cho tràn vào cánh đồng Tỉnh Thủy.

Vì thế, cánh đồng Tỉnh Thủy thuộc thôn Tịch Tây ngày đó là một trong những cánh đồng rộng và luôn đem lại năng suất lúa cao. Chân đê chạy dài từ xóm Đình đến mãi tận chân đồi Yên Ngựa, nơi diễn ra trận đầu đánh Mỹ.

Dừa xanh ngát ven con đê, bám giữ chân đê vô cùng vững chắc. Dần dần, dừa được giao cho từng hộ quản lý sử dụng và khai thác lá dừa. Với sự chăm sóc của người dân, diện tích dừa ngày càng lớn. Thế nhưng, những năm 90 của thế kỷ 20, vì lợi ích trước mắt và thiếu sự quản lý nên người dân khai thác không có kế hoạch.

Thậm chí, có giai đoạn thân dừa trôi khắp mặt sông Bến Đình vì người dân đào đất làm hồ nuôi tôm nước lợ. Sát Dừa Bờ Điền lúc này trở nên hoang tàn. Trong số những người không chạy theo thời cuộc, cụ ông Nguyễn Tấn Đôi vẫn giữ sinh kế từ cây dừa.

Vừa ngồi đan tấm lá dừa để giao hàng theo đúng hợp đồng, cụ Đôi vừa nói: “Gia đình tôi có 2 sào đất trồng dừa, cộng thêm thuê của thôn 1ha nữa. Tôi làm nghề đan tấm lá dừa nước này đến nay trên dưới 20 năm, ngày đan khoảng 10 tấm, mỗi tấm giá hiện nay 35 nghìn đồng, cũng đủ trang trải qua ngày”.

Từ năm 2016, khi UBND huyện Núi Thành đầu tư trồng mới 18,6ha cùng với 6,1ha tự nhiên, diện tích rừng dừa đã lên tới con số 24,7ha. Cái tên rừng dừa Tịch Tây Tam Nghĩa được gọi từ đó.

Bà Bùi Thị Hồng - Phó Trưởng phòng Tài nguyên môi trường Núi Thành cho biết: “Núi Thành có nhiều vùng có dừa nước nhưng đa số diện tích nhỏ. Chỉ có rừng dừa Tịch Tây là rộng nhất, đặc biệt với diện tích tự nhiên hơn 6ha.

Việc đầu tư trồng rừng ngoài việc ngăn xâm nhập mặn, bảo vệ đồng ruộng, giúp bà con tăng thu nhập từ cây dừa nước, còn góp phần quy hoạch không gian xanh. Qua đó góp phần ứng phó hiệu quả, bền vững với biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay, đồng thời phát triển du lịch sinh thái trong tương lai gần”.    

Chờ cuộc khai phá tiềm năng

Theo nhiều người dân địa phương, tại rừng dừa vẫn còn nhiều loài chim quý như le le, gà nước, vịt trời. Ấn tượng nhất mỗi khi chiều về, đàn cò đậu trắng cả một quãng sông. Thế nhưng công tác quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rừng dừa đến nay vẫn chưa được chú trọng, nạn săn bắn chim, cò vẫn còn diễn ra.

Anh Nguyễn Tấn Thịnh - nhà gần rừng dừa cho hay: “Chính quyền cần có kế hoạch bảo vệ để giữ được sự phong phú của hệ sinh thái nơi đây. Còn ông Thiện có 3 sào đất làm hồ nuôi tôm gần đó cũng ngỏ lời: “Nếu được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng dừa này, không cần phụ cấp, tôi xin làm ngay!”.

Người dân đã có cái nhìn sâu rộng hơn về lợi ích từ việc bảo vệ và phát triển rừng dừa nước. Họ không còn nghĩ chỉ đơn thuần ngày ngày làm ra vài tấm lá lợp mà cần phải thu nhập nhiều hơn từ rừng dừa nước bằng nhiều cách khác như khai thác và đầu tư rừng dừa thành khu du lịch sinh thái.

Ông Hữu Lộc nói thêm: “Rừng dừa Bảy Mẫu trở thành khu du lịch ấn tượng của TP.Hội An. Trong khi đó, rừng dừa Tịch Tây rộng hàng chục hecta và rất nhiều loài chim hoang dã, đẹp đến thế mà vẫn “ngủ say” thì thật đáng tiếc’’.

Ngày 29.4.2021, Huyện ủy Núi Thành đã ban hành kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXI về phát triển du lịch huyện Núi Thành giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Kết luận đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đề cập và định hướng cho rừng dừa thôn Tịch Tây xã Tam Nghĩa.

Gần đây nhất ngày 28.6, UBND huyện Núi Thành đã tổ chức buổi họp góp ý các nghị quyết, đề án trên lĩnh vực thể thao và du lịch giai đoạn 2021 - 2025, thêm một lần nữa rừng dừa Tịch Tây đã được đề cập một cách cụ thể hơn.

Ông Nguyễn Thành Đạt - Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa cho hay: “Sau bao năm chờ đợi, rừng dừa quê mình sẽ sớm được đầu tư xây dựng thành điểm du lịch sinh thái, cùng với đồi Yên Ngựa - nơi diễn ra trận đầu đánh Mỹ, Chùa Hang, Tượng đài Chiến thắng Núi Thành, hố Giang Thơm, tất cả sẽ là một quần thể du lịch khép kín”.

Về phía người dân địa phương, khi được hỏi về phát triển du lịch tại rừng dừa đều hy vọng một tương lai mới. Bởi họ đã chờ đợi, từ rất lâu, việc đánh thức tiềm năng, khai phá vẻ đẹp của rừng dừa cũng là để có thêm điều kiện bảo vệ tài nguyên quê xứ.

LÊ VĂN VINH