Giảm nghèo ở Thăng Bình: Nhiều áp lực

VIỆT NGUYỄN 31/08/2021 07:47

Mặc dù đạt được những thành quả nhưng công tác giảm nghèo tại huyện Thăng Bình bộc lộ không ít hạn chế, cần những giải pháp thiết thực trong thời gian đến.

Cơ sở sản xuất heo đất của chị Ngô Thị Hương giúp nhiều gia đình thoát nghèo, ổn định thu nhập. Ảnh: V.N
Cơ sở sản xuất heo đất của chị Ngô Thị Hương giúp nhiều gia đình thoát nghèo, ổn định thu nhập. Ảnh: V.N

Cơ sở sản xuất heo đất của chị Ngô Thị Hương (thôn Vinh Nam, xã Bình Trị, Thăng Bình) có 8 lao động nữ, mỗi tháng sản xuất 6 nghìn sản phẩm, cung cấp đến các chợ trong và ngoài tỉnh. Với thu nhập 250 nghìn đồng/ngày, nhiều phụ nữ làm việc ở đây đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy vậy, chị Hương cho biết: “Vài ngày nữa chúng tôi sẽ tạm ngưng sản xuất. Mấy tháng nay, hàng hóa tiêu thụ chậm vì nhiều nơi bị giãn cách. Vì vậy dù không muốn chúng tôi bắt buộc phải ngừng việc với các lao động nữ”.

Rất nhiều thách thức đã đặt ra trong giảm nghèo bền vững ở huyện Thăng Bình, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bởi các mô hình kinh tế thiếu tính bền vững, chủ đầu tư khó huy động vốn, thị trường eo hẹp dần do cạnh tranh gắt gao.

Theo bà Võ Thị Ngọc Ánh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình, nhiều địa phương chưa thực hiện tốt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để giúp người dân thoát nghèo. Việc xây dựng mô hình giảm nghèo thực hiện rất chậm, lại chưa đánh giá được hiệu quả, tác động xã hội để có thể nhân rộng.

Phần lớn hộ nghèo trên địa bàn huyện còn lại đến nay có hoàn cảnh rất khó khăn, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội hoặc già yếu, ốm đau thường xuyên, gia đình gặp tai nạn, rủi ro nên rất khó có điều kiện thoát nghèo.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn cao hơn mức bình quân chung của các huyện, thị xã, thành phố khu vực đồng bằng. Số lượng hộ đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo hằng năm còn ít so với chỉ tiêu cấp trên giao.

Năm 2021, tại 22 xã, thị trấn có 75 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững, đạt 71,4% chỉ tiêu UBND tỉnh giao (105 hộ). Năm 2020, toàn huyện có 40 hộ nghèo mới phát sinh.

Từ năm 2016 đến nay, Thăng Bình giải quyết việc làm cho 19.424 lao động, đào tạo nghề cho 1.833 học viên lao động nông thôn, 741 lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Trong 7 tháng đầu năm nay, Thăng Bình có 19 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương chưa thật sự quyết liệt, việc thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia thoát nghèo còn nghèo nàn về hình thức, chưa đi vào thực chất. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, công tác điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo vì thế vẫn còn sai sót.

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, huyện Thăng Bình cần giải quyết ngay tâm lý ỷ lại, trông chờ hỗ trợ của người dân bằng các hình thức, nội dung tuyên truyền, vận động phù hợp. Để thoát nghèo bền vững, địa phương cần gỡ các vướng mắc là hỗ trợ hộ nghèo mang tính bao cấp, thiếu điều kiện ràng buộc. Huyện cần thu hút thêm đầu tư của doanh nghiệp ở các xã vùng đồng, vùng tây để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu huyện Thăng Bình chú trọng theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, sản xuất, việc làm của hộ đăng ký thoát nghèo và hộ mới được công nhận thoát nghèo để động viên, tiếp tục hỗ trợ, đảm bảo thoát nghèo bền vững.

Về hỗ trợ sinh kế thoát nghèo, Thăng Bình cần thực hiện theo đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân, phù hợp với khả năng, điều kiện, không áp đặt nội dung hỗ trợ. Những kiến nghị, đề xuất của Thăng Bình, UBND tỉnh ghi nhận, sẽ kiến nghị HĐND tỉnh và chỉ đạo các sở, ngành quan tâm.

VIỆT NGUYỄN