Vì sự phát triển của phụ nữ
Ngày 30 & 31.8, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Tiên Phước tổ chức Đại hội đại biểu phụ nữ lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2021 - 2026). Thời gian qua, Hội LHPN huyện đã đồng hành với sự phát triển của phụ nữ, giúp nhiều chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới.
Cùng nhau phát triển kinh tế
Ở xã miền núi Tiên Ngọc, xưởng may gia công của chị Trần Thị Loan đang giải quyết việc làm cho 35 lao động nữ có gia cảnh khó khăn hoặc hộ nghèo. Chị Loan cũng quê Tiên Ngọc, đi lên từ khó khăn nên thấu hiểu những vất vả của chị em với công việc đồng áng, núi rừng.
Chị chia sẻ: “Giúp chị em phụ nữ có công ăn việc làm ổn định cũng là giúp gia đình tôi có cuộc sống phát triển hơn. Nhiều chị em vào đây làm thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, có người đã đi làm ăn ở miền Nam rồi quay về quê. Đã 5 năm qua chị em gắn với bó xưởng may gia công này, nhiều chị có đời sống ổn định hơn trước”.
Như chị Trần Thị Mỹ Sâm vừa là hộ nghèo vừa là người khuyết tật thể nặng vào xưởng may làm việc từ năm 2017, sau 4 năm tay nghề đã vững vàng.
Chị Sâm nói: “Hồi đó gia cảnh khó khăn, tôi lại khuyết tật nên không thể đi làm ăn xa được. May có xưởng may gia công của chị Loan. Chồng tôi cũng chỉ làm nông, hai vợ chồng cố gắng rồi cũng thoát nghèo được vào năm 2019. Làm ở đây, bình quân mỗi tháng lương 4 triệu đồng, không cao nhưng cuộc sống ở quê, tiết kiệm vẫn có thể dành dụm để lo cho con cái ăn học, phòng khi đau ốm”.
Hay như chị Đoàn Thị Mua trước kia vào TP.Hồ Chí Minh làm công nhân may, lương mỗi tháng 7 - 8 triệu đồng nhưng không dư dả mấy. Năm 2016, chị Mua về quê và vào làm việc tại xưởng may của chị Loan. Dành dụm tích cóp, vợ chồng chị Mua cũng thoát nghèo vào năm 2019.
“Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” là một trong những phong trào mạnh của phụ nữ Tiên Phước, với nhiều mô hình do chị em làm chủ, không chỉ giúp nhau thoát nghèo mà còn làm giàu trên quê hương.
Toàn huyện có 114 mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả; có 5/51 hợp tác xã (HTX) do phụ nữ làm giám đốc, như HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam (Tiên Mỹ), HTX Cau sấy Tiên Phước (Tiên Lãnh), HTX Dịch vụ tổng hợp Tiên Phước (Tiên Kỳ), HTX Thành Đạt (Tiên Lập), HTX Dịch vụ thương mại Cường Thịnh (Tiên Kỳ), cùng nhiều tổ hợp tác như Tổ hợp tác nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Tiên Ngọc, Tổ hợp tác xay xát cành quế và kinh doanh các mặt hàng từ quế (Tiên Mỹ), Tổ hợp tác bánh tráng lề Địch Yên (Tiên Phong), các tổ hợp tác may gia công.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được chị em tham gia hiệu quả, có 3 sản phẩm do phụ nữ làm chủ được công nhận 3 sao, 4 sao, cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm có giá trị, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Hiệu quả những phong trào
Trong nhiệm kỳ qua, phong trào phụ nữ huyện Tiên Phước được đánh giá là đơn vị mạnh về phong trào thi đua, với thành tích 5 năm liền là đơn vị xuất sắc, 2 năm liền dẫn đầu phong trào thi đua cụm các huyện miền núi tỉnh.
Bà Lê Thị Na Vy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Phước cho biết: “Việc triển khai phong trào thi đua, các cuộc vận động và nhiệm vụ của hội gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam và thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được thực hiện thường xuyên, đã có những thay đổi rõ nét trong nhận thức và hành động của các tầng lớp phụ nữ. Nhiều phong trào khác của Hội LHPN tỉnh triển khai đều được huyện thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tốt”.
Với huyện có kinh tế vườn, trang trại phát triển như Tiên Phước, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng mô hình “Nhà sạch - Vườn đẹp”, “Dâu hiền tộc họ”, vệ sinh môi trường được phụ nữ hưởng ứng tích cực.
Phụ nữ đã giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững từ các mô hình và thực hiện Đề án 03 của huyện về “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng, giai đoạn 2017 - 2025”.
Các mô hình do chị em phụ nữ làm chủ đã giúp 1.750 hộ nghèo có việc làm, trong đó có 362 hộ thoát nghèo bền vững. Các cấp hội đã hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nguồn vay, nhất là nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ hơn 179 tỷ đồng cho 3.643 hộ vay.
Đặc biệt, phong trào tiết kiệm giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững bằng nguồn vốn tại chỗ đã có 14.143/14.159 hội viên phụ nữ tham gia với tổng số tiền hơn 15,2 tỷ đồng, giúp 2.565 lượt phụ nữ phát triển kinh tế gia đình.
Chị em còn giúp nhau về ngày công, hỗ trợ cây giống, con vật nuôi giúp hộ phụ nữ khó khăn cùng phát triển kinh tế. Kết thúc nhiệm kỳ vừa qua, hầu hết chỉ tiêu nghị quyết đề ra trong phong trào phụ nữ của Tiên Phước đều đạt, trong đó một số chỉ tiêu vượt cao như chỉ tiêu hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vượt 200%, chỉ tiêu giúp hộ thoát nghèo vượt 141%…