Chợ phiên Hội An thời thuộc Pháp
Ngoài chợ cố định, Hội An thời thuộc Pháp còn diễn ra các cuộc chợ phiên (còn gọi là hội chợ), được tổ chức theo một thời gian nhất định trong năm, có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều địa phương trên cả nước, quy tụ các sản vật đa dạng và đặc trưng vùng miền.
Hội chợ Faifo (Hội An) được tổ chức lần đầu vào năm 1935, do Công sứ Faifo lúc bấy giờ là Jérusalémy và Tổng đốc Quảng Nam khởi xướng. Hội chợ diễn ra trong ba ngày từ ngày 15 đến ngày 17.7.1935.
Hội chợ vào các năm 1936, 1937, 1939 đều diễn ra vào tháng 5, kéo dài trong 5 ngày, riêng năm 1939 kéo dài trong 9 ngày, thời gian mở cửa từ 8 giờ đến 24 giờ. Hội chợ nhằm trưng bày, cung ứng các mặt hàng nông nghiệp và thương nghiệp nói chung của tỉnh Quảng Nam và vùng Tourane (Đà Nẵng).
Bấy giờ, mặc dù tỉnh Quảng Nam có điều kiện thuận lợi về giao thông đường bộ lẫn đường thủy, lại giàu có về thổ sản như cau, trà, đường, quế, bắp, sắn, mây, bông, tơ lụa nhưng vì gặp giai đoạn kinh tế khủng hoảng, giá bạc ở Trung Quốc bị hạ thấp, thổ sản ở Quảng Nam không bán được, nền kinh tế suy giảm. Đứng trước tình cảnh khó khăn đó, nhằm cứu nguy cho nền kinh tế địa phương nên Công sứ Faifo và Tổng đốc tỉnh Quảng Nam đã tổ chức ra hội chợ này.
Tổ chức bài bản
Hội chợ được tổ chức tại một khu đất rộng ở giữa kè Hải Nam, các phố Boulevard Jules Ferry (đường Hoàng Diệu ngày nay), phố cầu Nhật (đường Trần Phú ngày nay), dọc theo bờ sông gần hội quán Triều Châu.
Ban tổ chức hội chợ ban hành thể lệ cụ thể, trong đó có đầy đủ nội dung như thời gian, mục đích, các hàng hóa được trưng bày, địa điểm tổ chức, thời gian nộp đơn xin tham gia (đơn gửi cho Trưởng ban tổ chức, Tòa sứ Faifo, đơn được chấp nhận hay từ chối đều có thư phúc đáp), dự kiến số lượng gian hàng tham gia, quy định kích thước gian hàng, giá thuê gian hàng, giá vé vào cửa, giấy chứng nhận bán hàng của các gian hàng. Đối với mặt hàng bày bán trong hội chợ, ban tổ chức cũng có quy định cụ thể trong thể lệ.
Cách bài trí các gian hàng tại hội chợ thực hiện theo thể lệ của ban tổ chức. Các nhà buôn được bố trí gian hàng riêng để trưng bày, số lượng gian hàng dự kiến khoảng 100 gian, kích thước 3m x 3m, giá thuê một gian hàng là 2 đồng (năm 1937), một người có thể thuê nhiều gian hàng tiếp giáp nhau.
Năm 1936, cách sắp xếp gian hàng được thực hiện theo kiểu mới do quan Giám binh M. Saint Peron thiết kế, có hồ sen, bồn kiểng, hoa. Cách trưng bày hàng hóa tại gian hàng tùy thuộc vào chủ gian hàng đó. Ban tổ chức sẽ tiến hành chấm chọn trao giải cho các gian hàng bài trí đẹp (năm 1936 giải nhất thuộc về gian hàng nhà thuốc ÔNG - TIÊN ở Sài Gòn).
Tại hội chợ năm 1937, các rạp trong hội chợ do Giám binh M. Saint Peron thiết kế và sự giúp sức của các lính Khố xanh tỉnh Quảng Nam nên hội chợ được trang hoàng đẹp hơn. Vật liệu sử dụng chủ yếu là tre, dùng để làm rạp tạm thời (chi phí thấp), đây được xem là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành công của hội chợ. Hội chợ vào năm 1939 có quy mô kiến trúc đồ sộ, nguy nga và mới mẻ hơn cả; những tấm phên mỏng tô vôi bao quanh hội chợ, hai bên đường trước cửa hội chợ treo những lá cờ Pháp, Việt.
Hàng hóa đa dạng
Hàng hóa tham gia hội chợ từ năm 1935 đến năm 1939 khá đa dạng. Các mặt hàng bày bán trong hội chợ năm 1935 có thể kể đến như: trà, hạt tiêu, đường, sáp, mật ong, dầu phụng, nước mắm, cá khô, gỗ thơm, hương, mây, gốm, đồ đan, tơ lụa, bông sợi hoặc dệt thành vải. Hàng hóa hội chợ năm 1936 có: thổ sản (chè, bắp, khoai,…), hải sản (vi cá, bong bóng, tôm khô của gian hàng Lê Văn Vinh ở làng Thanh Châu), đồ kỹ nghệ (máy bơm nước vào ruộng của ông Nguyễn Đức Điển, máy xay chè của ông An Lợi ở Tam Kỳ), đồ sành (chén, bát, đĩa), thuốc Nam, đồ thêu - cẩn - chạm ở miền Bắc.
Hàng hóa hội chợ năm 1937 có: lâm sản, nông sản, khoáng sản (Quảng Nam), tơ lụa Quảng Nam, lụa tussor, xuyến, lãnh (làng Bảo An, Xuân Đài, Thi Lai, Mã Châu, Hà Mật thuộc phủ Điện Bàn và Duy Xuyên), chén bát (miền Nam), lâm sản (trầm, quế) - thổ sản (cau) được đóng hộp, ngoài ra còn có mật ong, sáp ong, quế, chuối khô, cau khô, thuốc lá Cẩm Lệ, đồ đá Non Nước.
Hội chợ năm 1939, các mặt hàng càng thêm đa dạng, như: tên, ná, cung, dụ, phạng, xà lét, giáo, dao, da cọp, bắp, bông, mía, thuốc lá, quả nam trân (bòn bon), xoài (Đại Lộc); quế, bắp, đậu, khoai, sắn, mè, mía, bông, chè (phủ Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn và huyện Hòa Vang, Tiên Phước, Quế Sơn), máy dệt hàng bông kiểu mới, mật ong, nước mắm, rượu dâu Quảng Bình, rượu Thanh Yên, bánh mứt (Tourane - Đà Nẵng). Trong hội chợ năm 1939 còn xuất hiện sản vật được xem là hiếm có bởi sự khác thường như trường hợp hai cây mía cao gần 10 thước tây (10m) của gian hàng phủ Duy Xuyên.
Qua các hội chợ, có thể nhận thấy tại tỉnh Quảng Nam trước đây có thế mạnh về mặt hàng thuốc lá với sản lượng khá lớn, như trong hội chợ năm 1935 có đến 150 tấn thuốc lá được bán ra.
Mặt hàng tơ lụa của tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ cũng được đánh giá cao về chất lượng, được nhiều người ở miền Nam đặt mua trước hàng nghìn thước hàng của các ty nghiệp ở Duy Xuyên và Điện Bàn (hội chợ năm 1937). Tơ lụa Quảng Nam còn được đánh giá là nền móng sự sống còn của một phần lớn cư dân Quảng Nam thời bấy giờ.
Hiệu quả lớn
Trong hội chợ còn diễn ra các hoạt động khác. Như hoạt động quảng cáo cho các gian hàng, nổi bật trong đó có sự tham gia của đoàn quảng cáo từ Hà Nội vào, có máy truyền thanh ca hát, rao hàng cả ngày khiến cho hội chợ thêm phần náo nhiệt, vui vẻ. Hội chợ còn tổ chức các cuộc khiêu vũ (năm 1936, sinh viên trường Mỹ thuật ở Sài Gòn là M. Phạm Văn Vinh được chấm hạng nhất), cuộc thi sắc đẹp (năm 1936, người đoạt giải nhất là một nữ học sinh ở Faifo), thi đấu võ đài, đua ghe, quay bánh lấy thưởng, câu lấy đồ vật, ban nhạc (của lính Khố xanh Huế) thu hút đông đảo người xem.
Hội chợ thu hút đông đảo người tham gia, số lượng tăng dần theo các năm. Như năm 1936 lượng người đi xem hội chợ là 21.700 người đến năm 1937 tăng lên 46.000 người. Số lượng hàng hóa bán được cũng tăng vượt bậc, năm 1936 hàng hóa bán được 13.000 đồng, đến năm 1937 lên đến 30.000 đồng.
Thành phần tham dự hội chợ khá đa dạng, từ người dân đến các thương gia, nhà buôn, các cơ quan nhà nước (như các sở Canh Nông, Kiểm Lâm, Thú Y, Công Chánh, Đạc Điền đều có gian hàng trưng bày), các quan chức như Công sứ Faifo Jérusalémy, Phó công sứ M. Barhe, Chánh Văn phòng Tòa khâm Ducrest, Giám binh M.Saint Peron, Tổng đốc Ngô Đình Khôi, Bố Chánh Nguyễn Văn Định.
Như vậy, trải qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ biến động nhưng chợ Hội An vẫn đóng một vai trò quan trọng của tỉnh Quảng Nam trong phát triển kinh tế, là nơi hội tụ, giao lưu, trao đổi hàng hóa từ mọi miền trên đất nước, xứng danh là “tiểu chợ lớn Trung Kỳ” trong lịch sử.