Bắc Trà My đã sắp xếp 1.205 hộ dân ở vùng nguy hiểm tới nơi an toàn
(QNO) - Sáng nay 25.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu có buổi làm việc với huyện Bắc Trà My về công tác bố trí sắp xếp dân cư, kinh tế vườn, kinh tế trang trại và phòng chống thiên tai.
Theo báo cáo, huyện Bắc Trà My đã sắp xếp, di dời 1.147 hộ dân ở vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn trong giai đoạn 2017 - 2020, tổng vốn thực hiện hơn 58,2 tỷ đồng. Trong năm 2021 đã sắp xếp, di dời chỗ ở cho 58 hộ dân.
Đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng các điểm tái định cư tập trung, Bắc Trà My đã bố trí 4 dự án ổn định dân cư tập trung đã hoàn thành, quy mô bố trí 124 hộ, tổng kinh phí thực hiện đầu tư hơn 18,7 tỷ đồng.
Công tác sắp xếp dân cư thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, như quỹ đất để quy hoạch bố trí dân cư ngày càng ít, diện tích hẹp khiến người dân gặp khó khăn trong chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Các xã vùng cao khó tìm mặt bằng bố trí dân cư; hộ dân có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng đối ứng, người dân còn tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.
UBND huyện Bắc Trà My đề nghị tỉnh phân bổ hơn 3,1 tỷ đồng để hỗ trợ 69 hộ bị ảnh hưởng do thiên tai cần hoàn thiện nhà ở (45 triệu đồng/hộ); hỗ trợ khẩn trương di dời 330 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét trước mùa mưa, kinh phí hơn 41,2 tỷ đồng (125 triệu đồng/hộ).
Đối với kinh tế vườn, trang trại, toàn huyện Bắc Trà My có 1.875 vườn theo mô hình trồng trọt cây nông - lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi. Các loại cây trồng được triển khai thực hiện phổ biến gồm cam sành, cam đường (60ha), thanh trà (20ha), sầu riêng (25ha), măng cụt (10ha), bưởi da xanh (45ha), bòn bon, cau, quế. Toàn huyện có 260 gia trại.
Việc sản xuất kinh tế vườn, trang trại còn nhiều khó khăn như đất đai manh mún, phân tán; tưới tiêu khó khăn, thời tiết diễn cực đoan. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế; đầu ra của sản phẩm còn bị động, phụ thuộc vào thị trường; hợp tác liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa được phát triển; các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước còn hạn chế; chưa tiếp cận được vốn vay của ngân hàng. Hiện nay tình hình nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc cây trồng; tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phức tạp.
Bắc Trà My kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh sớm ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại để hỗ trợ cho nhân dân phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; phân bổ kinh phí hàng năm đảm bảo thực hiện Nghị quyết 40 của HĐND tỉnh về việc bảo tồn và phát triển cây quế Trà My. Ngoài việc hỗ trợ giống cây sâm Ngọc Linh (1.000 cây) để thực hiện phương án di thực cây sâm Ngọc Linh, Bắc Trà My đề nghị UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong việc di thực giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ghi nhận những kiến nghị của huyện Bắc Trà My, đề nghị các sở, ngành tiếp thu, tham mưu UBND tỉnh xử lý, giải quyết. Ông Hồ Quang Bửu yêu cầu việc sắp xếp dân cư trước mắt thực hiện theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh để sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân. Việc đầu tư các khu tái định cư là cần thiết nhưng quá tốn kém nên cần phải lồng ghép nhiều nguồn lực.
Ông Hồ Quang Bửu yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chú ý tổng hợp những nhu cầu của huyện về khắc phục hậu quả thiên tai, có báo cáo cụ thể gửi UBND tỉnh.
Về kinh tế vườn, trang trại, ông Hồ Quang Bửu đề nghị huyện xây dựng phương án tổng thể trong phát triển kinh tế vườn, trang trại, chú ý xây dựng sản phẩm OCOP từ chính sản phẩm của huyện...