Việt Nam đứng đầu thế giới về tỷ lệ chấp nhận tiền điện tử
(QNO) - Theo dữ liệu về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI) do Chainalysis thống kê, Việt Nam đứng đầu với điểm tuyệt đối.
Sau khi phân tích các yếu tố bao gồm khối lượng giao dịch trao đổi ngang hàng và giá trị nhận được tại 154 quốc gia và vùng lãnh thổ, Chainalysis cho biết tỷ lệ chấp nhận tiền điện tử toàn cầu đã tăng khoảng 881% trong 12 tháng qua.
Các quốc gia đứng đầu là Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Ukraine. Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng với số điểm tuyệt đối là 1, trong khi Ấn Độ đạt 0,37 và Pakistan đạt 0,36. Các quốc gia như Việt Nam, Kenya, Nigeria và Venezuela có khối lượng giao dịch khổng lồ trên các nền tảng ngang hàng hoặc P2P, khi được điều chỉnh theo sức mua tương đương trên đầu người và dân số sử dụng internet.
Matt Ahlborg, một nhà phân tích dữ liệu ngang hàng, nói với CNBC rằng Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu của Bitrefill, một công ty giúp khách hàng kiếm lợi nhuận bằng tiền điện tử bằng cách mua thẻ quà tặng bằng bitcoin.
Kim Grauer - Giám đốc nghiên cứu của Chainalysis, người biên soạn báo cáo, cho biết: “Việt Nam nổi bật vì thống trị các chỉ số. Người trẻ Việt Nam am hiểu công nghệ góp phần thúc đẩy việc áp dụng tiền điện tử”, Grauer nói.
Chainalysis báo cáo rằng nhiều người sử dụng các sàn giao dịch tiền điện tử P2P làm cơ sở chuyển đổi chính sang tiền điện tử, thường là do họ không có quyền truy cập vào các sàn giao dịch tập trung. Công ty cũng cho biết thêm rằng việc áp dụng tiền điện tử ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á trong năm qua được hỗ trợ phần lớn bởi các tổ chức đầu tư.
Phần lớn trong số 20 quốc gia hàng đầu là các nền kinh tế mới nổi, bao gồm Togo, Colombia và Afghanistan. “Ở các thị trường mới nổi, nhiều người chuyển sang sử dụng tiền điện tử để gửi và nhận kiều hối cũng như thực hiện các giao dịch kinh doanh nhằm bảo toàn tiền tiết kiệm khi đồng tiền mất giá”, Chainalysis cho biết trong báo cáo.
Trung Quốc và Mỹ đều tụt hạng lần lượt xuống vị trí thứ 13 và thứ 8, chủ yếu do khối lượng giao dịch ngang hàng giảm trong khi năm ngoái Trung Quốc đứng thứ 4 và Mỹ đứng thứ 6.
Đây là năm thứ hai Chainalysis phát hành Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu, xếp hạng các quốc gia theo các chỉ số như khối lượng giao dịch trao đổi ngang hàng, thay vì khối lượng giao dịch tổng (thường chỉ tập trung vào các quốc gia phát triển có mức mua vào tiền điện tử chuyên nghiệp và tổ chức cao).
Chainalysis cho biết mục đích của chỉ số là thu hút sự chấp nhận tiền điện tử của mọi người và tập trung vào mục giao dịch và tiết kiệm cá nhân, thay vì đầu cơ.