Suy kiệt nguồn nước ngầm do nuôi tôm
Nuôi tôm trên cát phát triển rầm rộ, thiếu kiểm soát, mạnh ai nấy đóng giếng khai thác nước ngầm để pha với nước biển nuôi tôm, khiến nguồn nước ngọt ngày càng suy kiệt.
Suy kiệt nguồn nước
Từ đầu mùa khô đến nay, nhiều hộ dân sinh sống ở các vùng nuôi tôm trên cát thuộc các xã Bình Hải, Bình Nam (Thăng Bình), Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Hải (Núi Thành) lại lâm vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nhà ông Ngô Hải An ở thôn Hòa Bình (xã Tam Hòa) bị vây bọc bởi vùng nuôi tôm trên cát rộng lớn.
Ông An cho biết, thiếu nước ngọt trầm trọng vì nguồn nước đã bị biến động từ khi phong trào nuôi tôm trên cát phát triển rầm rộ. “Nước ngầm không chỉ thiếu mà còn có mùi hôi vì nhiễm mặn, phèn. Các nông hộ đóng giếng, hút nước ngầm vô tội vạ để pha với nước biển nuôi tôm trên cát, lại không xử lý nước sau khi nuôi, xả thải vô tội vạ khiến suy thoái nguồn nước sinh hoạt” - ông An nói.
Ông Trương Công Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Hòa cho biết, thực trạng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tự phát ở địa phương đã diễn ra từ lâu, rất manh mún. Hầu hết nuôi tôm theo kiểu nhỏ lẻ nên người dân không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Mặc dù người dân địa phương đã phản ánh tình trạng ô nhiễm nguồn nước do nuôi tôm ở nhiều cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết hiệu quả.
Về hút nước ngầm vô tội vạ để pha loãng với nước biển nuôi tôm trên địa bàn, ông Bình cho rằng, đã yêu cầu người dân đầu tư hệ thống lắng, lọc nước, vừa chủ động, vừa tiết kiệm nguồn nước ngầm, tránh khai thác quá mức nhưng người nuôi tôm chỉ đối phó. “Tuyên truyền, vận động rồi đâu lại vào đấy, địa phương không thể xử lý mạnh tay được” - ông Bình nói.
Vùng nuôi tôm trên cát ở xã Bình Hải chằng chịt đường ống dẫn nước ngọt vào ao nuôi tôm. Đưa chúng tôi đi quanh 3 ao nuôi tôm có diện tích 1.000m2 ở thôn Đồng Trì (xã Bình Hải), ông Phan Tấn Hội (chủ hộ nuôi tôm trên cát) cho biết, nước biển có độ mặn hơn 30‰ mà tôm thẻ chân trắng chỉ có thể sinh trưởng, phát triển ở độ mặn chừng 20‰ nên bắt buộc phải lấy nước ngọt về pha loãng độ mặn.
“Ở các vùng nuôi tôm trên cát, không có nông hộ nào không đóng giếng xung quanh để nuôi tôm nên làm suy kiệt nguồn nước” - ông Hội nói.
Ông Hoàng Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, dù UBND tỉnh đã phê duyệt phương án sắp xếp lại nghề nuôi tôm ở vùng đông nhưng thực trạng nuôi tôm được chăng hay chớ vẫn tồn tại. Nguyên do là nông dân có nguồn lực hạn chế, không thể đầu tư mô hình bài bản; khó thay đổi thói quen canh tác... Địa phương cần thêm thời gian để vận động các hộ nuôi tôm phải xây các hồ lắng, lọc nước phục vụ nuôi tôm và ao xử lý nước thải trước khi đưa ra bên ngoài, giảm tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Cần đưa vào nền nếp
Theo ông Nguyễn Xuân Luận - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, để bảo vệ nguồn nước dưới đất, phải quản lý chặt các hoạt động khai thác nước dưới đất tự phát để tránh nguy cơ cạn kiệt trữ lượng và suy thoái chất lượng nguồn nước. Việc này chính quyền cấp xã không quán xuyến nổi, rất cần sự vào cuộc của ngành thủy sản, ngành tài nguyên - môi trường.
Theo đó, ngành thủy sản có thể khảo sát, tính toán, đưa ra lượng nước cần để pha loãng nuôi tôm ở mỗi địa bàn. Ngành tài nguyên - môi trường lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng nguồn nước ở các khu vực nuôi tôm trên cát. Trên cơ sở đó, cần quy định cụ thể hộ nuôi tôm có thể khai thác tối đa lượng nước ngầm bao nhiêu, bảo quản nó để dùng pha loãng nước mặn nuôi tôm.
Chính quyền địa phương sẽ giám sát, có quy định cụ thể và yêu cầu các nông hộ nuôi tôm đăng ký, thực hiện cam kết sử dụng nguồn nước ngầm phù hợp. “Nghề nuôi tôm trên cát phát triển tự phát, chạy theo lợi nhuận lâu nay cần đưa vào nền nếp, hạn chế tác hại nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, nhất là nguồn nước. Chúng tôi vận động người nuôi tôm dần chuyển nghề, đầu tư mô hình, loại hình kinh tế khác, ổn định lâu dài chứ theo quy hoạch nuôi tôm ở vùng đông, xã Tam Tiến không còn diện tích được phép nuôi tôm” - ông Luận nói.
Nước ngầm là nguồn tài nguyên quý nhưng có hạn. Khi không kiểm soát khai thác, nước ngầm sẽ cạn kiệt dần và làm thay đổi cấu trúc của nền đất gây hậu quả xâm nhập mặn, suy thoái nguồn nước.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, đến thời điểm này, Quảng Nam vẫn chưa tính toán để đưa ra hạn mức khai thác, sử dụng nước ngầm dùng cho nuôi tôm ở các khu vực ven biển.
Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đánh giá lại thực trạng, ban hành hạn mức khai thác nước ngầm, áp dụng phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Giải pháp này không chỉ hạn chế suy thoái chất lượng nước ở các khu vực ven biển mà còn góp phần quản lý chặt nghề nuôi tôm nước lợ, khắc phục hạn chế lâu nay là phát triển tràn lan.
“Mỗi địa phương chỉ được nuôi tôm trên cát với diện tích cụ thể, mức sử dụng nguồn nước cụ thể, không thể để mạnh ai nấy làm gây mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm nguồn nước” - ông Ngô Tấn nói.