Thụy Điển - “thung lũng Silicon” của châu Âu

NAM VIỆT 21/08/2021 05:47

Là nơi ra đời của nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu từ Spotify, H&M, Electrolux cho đến Skype, Thụy Điển trở thành “thiên đường” khởi nghiệp (start-up) của châu Âu.

CEO Simiatkowski (Thụy Điển) của một trong những ứng dụng công nghệ tài chính toàn cầu. Ảnh: Klarna
CEO Simiatkowski (Thụy Điển) của một trong những ứng dụng công nghệ tài chính toàn cầu. Ảnh: Klarna

Năm 1991, chàng trai trẻ Sebastian Simiatkowski lúc đó 16 tuổi bắt đầu viết lập trình cho máy tính. Đến năm 2005, công ty khởi nghiệp mang tên Klarna của nhà đồng sáng lập kiêm điều hành (CEO) Sebastian Simiatkowski ra đời tại Thụy Điển.

Klarna cung cấp các dịch vụ tài chính online hay các giải pháp thanh toán cho ngành thương mại điện tử, nổi bật là dịch vụ mua trước/trả sau. Thậm chí, khách hàng có thể trả tiền cho Klarna trong khoảng thời gian lên tới 30 ngày sau khi sản phẩm được giao, hoặc có thể trả dần không lãi suất trong 3 hoặc 4 tháng. Đây chính là điều khác biệt so với các nền tảng dịch vụ tương tự.

 Mô hình Klarma càng trở nên phổ biến kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Klarna vừa được định giá 46 tỷ USD trong khi CEO Simiatkowski sở hữu gần 8% cổ phần của công ty và có tổng giá trị tài sản khoảng 2,2 tỷ USD, trở thành tỷ phú mới trong làng tài chính công nghệ. Người sáng lập Klarna rất hào hứng khi chuẩn bị niêm yết một trong các công ty công nghệ tài chính châu Âu lớn nhất trong lịch sử.

CEO Simiatkowski cho biết, Thụy Điển vươn lên trở thành “thung lũng Silicon” châu Âu bắt nguồn từ sự quan tâm đầu tư và đào tạo kỹ năng công nghệ cho người dân của nhà nước khu vực Bắc Âu này. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Thụy Điển chú trọng việc trang bị máy tính đến cho mọi nhà, bên cạnh hỗ trợ kết nối dịch vụ internet toàn dân cũng như phát triển hệ thống hạ tầng băng thông rộng.

Nhờ đó, Thụy Điển là quốc gia phát triển hàng đầu về kinh tế số và là nơi có tốc độ truy cập internet nhanh nhất thế giới. Quê hương của giải thưởng Nobel danh giá chi tới 4% GDP cho những nghiên cứu sáng tạo để có thể tạo ra những phát minh phục vụ xã hội. Với khoảng 10,2 triệu dân, Thụy Điển cũng là quốc gia có xã hội không tiền mặt thuộc loại triệt để nhất thế giới. Đến nay, chỉ có khoảng 9% người dân Thụy Điển dùng tiền mặt, chủ yếu là người cao tuổi.

 Theo thống kê, thủ đô Stockholm của Thụy Điển có số lượng start-up tỷ USD nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau thung lũng Silicon của Mỹ. Thụy Điển, một vùng đất màu mỡ và là nơi nuôi dưỡng các “kỳ lân công nghệ” nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới với các chính sách phúc lợi xã hội và đãi ngộ tốt. Thụy Điển có 20 start-up hơn 1.000 nhân viên, so với con số 5 start-up ở Mỹ.

Thụy Điển tạo ra hệ thống vườn ươm doanh nghiệp và các khu công nghệ cao - nơi các ý tưởng và sáng tạo được ươm mầm và phát triển, thu hút đầu tư cũng như tài năng toàn cầu. Tỷ lệ start-up tồn tại sau 3 năm tại nước này là 74%.

Đặc biệt ở đó, nhiều quỹ bảo hiểm thu nhập có thể hỗ trợ người dân trong trường hợp công việc kinh doanh thất bại hoặc bị thất nghiệp. Đó là đảm bảo tới 80% mức lương trước đó của họ trong 300 ngày đầu tiên thất nghiệp.

Vì vậy mà Gohar Avagyan, người đồng sáng lập của Vaam, một dịch vụ nhắn tin video cho biết: “Mạng lưới an sinh xã hội ở Thụy Điển cho phép những start-up như chúng tôi ít bị tổn thương khi có rủi ro xảy ra”.

 Như Spotify - dịch vụ cung cấp âm nhạc kỹ thuật số - được thành lập từ 2006, hiện có giá trị thị trường hơn 45 tỷ USD. Spotify trở thành một ứng dụng phổ biến trên thế giới với khoảng 300 triệu người dùng hàng tháng và 140 triệu người dùng trả phí. Ở tuổi 37, nhà đồng sáng lập và CEO của Spotify hay tỷ phú công nghệ người Thụy Điển Daniel Ek hiện sở hữu khối tài sản trị giá 3,9 tỷ USD.

NAM VIỆT