Cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án xử lý chất thải rắn: Vướng mắc khi triển khai thực hiện
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01 với cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ khi thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn (CTR) giai đoạn 2020 – 2030. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, cơ chế này bộc lộ nhiều vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời.
Theo Sở TN-MT, quá trình lựa chọn, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chất thải rắn trong thời gian qua phát sinh nhiều vướng mắc. Đó là chồng chéo giữa quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 31, ngày 26.3.2021 của Chính phủ và một số nghị định khác.
Theo điều 31 của Nghị định số 31, HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất phải thực hiện trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong khi đó, theo điều 9 Nghị định số 43, ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và Thông tư số 29 hướng dẫn của Bộ TN-MT, HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất phải thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.
Về phương thức hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết số 01 của HĐND tỉnh cũng có bất cập. Đơn cử, cơ chế chỉ chi trả kinh phí sau đầu tư gây khó khăn đối với địa phương phải triển khai dự án theo hình thức đầu tư công. Trong khi các địa phương trung du, miền núi rất khó khăn trong tìm kiếm nhà đầu tư vì loại hình dự án này tiềm ẩn rủi ro và khó sinh lợi.
Về khắc phục vướng mắc trong quá trình đầu tư khu xử lý CTR, Phó Giám đốc Sở TN-MT Lê Thị Tuyết Hạnh cho rằng, với khu vực đã quy hoạch, các địa phương tuyệt đối không được phê duyệt các dự án khác trùng lấn; ưu tiên bố trí kinh phí cắm mốc, bồi thường giải phóng mặt bằng. Với các địa phương khó khăn không thể triển khai dự án theo quy hoạch được phê duyệt thì phải làm việc với các địa phương lân cận để thống nhất được hỗ trợ công tác xử lý rác thải của địa phương mình, đồng thời tham gia chia sẻ kinh phí đầu tư.
Về quy hoạch làng gốm trùng diện tích quy hoạch khu xử lý CTR tại Duy Xuyên, Sở TN-MT kiến nghị địa phương, trường hợp không thực hiện dự án xử lý rác theo vị trí quy hoạch thì chủ động tìm vị trí mới có diện tích tối thiểu bằng diện tích đã quy hoạch, xác định vị trí, ranh giới cụ thể trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt điều chỉnh.
Tại cuộc họp gần đây với Chi cục Bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân lưu ý, ngành tài nguyên – môi trường cần đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý rác thải theo quy hoạch. Về việc chậm đầu tư nhà máy xử lý CTR sinh hoạt tại xã Cẩm Hà (TP.Hội An), ngành tài nguyên - môi trường tham mưu UBND tỉnh nội dung làm việc cụ thể với nhà đầu tư để tìm hướng xử lý phù hợp.