Bài học về sự chủ động nắm thời cơ
Trong cách mạng tháng 8.1945, Quảng Nam là một trong 4 tỉnh giành thắng lợi sớm nhất cả nước. Đó là kết quả của bài học chủ động, ứng biến linh hoạt, chớp lấy thời cơ của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam trên cơ sở đường lối chung của Trung ương về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng…
Đối với một cuộc cách mạng, thời cơ là nhân tố có ý nghĩa hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình cách mạng có thể nhảy vọt. Kịp thời chớp lấy thời cơ là cả một nghệ thuật để đi tới thành công.
Nên những ngày đầu tháng 8.1945, nhận thấy bộ máy thống trị tay sai của Nhật từ phủ, huyện, đến cơ sở đã bị tê liệt, trong 2 ngày 12 và 13.8.1945 Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại nhà ông Ung Tòng (Ung Bá Tòng), nay thuộc thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành để bàn kế hoạch chớp thời cơ khởi nghĩa. Cuộc họp đang tiến hành thì chiều ngày 13.8.1945, từ Đà Nẵng đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vào cấp báo Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng Minh.
Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng
Ông Trần Quế - nguyên Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam từ tháng 9.1944 đến tháng 8.1945 khẳng định, Quảng Nam là tỉnh tiếp nối phong trào rất tốt, không bị gián đoạn. Dù cơ sở bể vỡ, bị địch bắt giam cầm, song từ trong lao ngục Đảng vẫn có sự chỉ đạo kịp thời nên mọi chủ trương được quán triệt. Nên khi các đồng chí lãnh đạo ra tù có thể nhanh chóng bắt tay đoàn kết phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng… Còn PGS-TS. Ngô văn Minh - giảng viên Học viện Chính trị khu vực III cho rằng: “Chính trong thời gian bị khủng bố, đứt liên lạc với Xứ ủy Trung kỳ, Đảng bộ Quảng Nam luôn chủ động cử người ra tận miền Bắc để gặp Trung ương Đảng, xin cho được chỉ thị, nhận cho được đường lối để quay về hoạt động. Nhờ vậy, phong trào cách mạng Quảng Nam nhanh chóng phục hồi, phát triển đúng đường lối của Đảng...”.
Ngay trong đêm 13.8.1945 cuộc họp chuyển xuống nhà ông Nguyễn Chiến (Nguyễn Đình Chiến), nay thuộc thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Hội nghị Tỉnh ủy liền chuyển trọng tâm sang bàn chủ trương khởi nghĩa và quyết định: Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền; chuyển tất cả cấp ủy đảng và Ủy ban Việt Minh các cấp thành Ủy ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương; Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban bạo động giành chính quyền tỉnh Quảng Nam gồm 17 đồng chí, bộ phận thường trực gồm 5 đồng chí.
Đêm 17.8, do nhận thấy tình hình ở Hội An biến chuyển thuận lợi, Thường trực Ủy ban bạo động và Thường trực Tỉnh ủy do đồng chí Võ Toàn - tức Võ Chí Công trực tiếp chỉ huy, quyết định khởi nghĩa ngay trong đêm.
Về việc nắm bắt thời cơ này, cố nhà giáo Phạm Hồng Việt - nguyên giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế cho rằng: “Nếu không có lực lượng, không có sự chuẩn bị thì không thể nào nắm bắt thời cơ được. Cho nên khi nói Quảng Nam nắm bắt thời cơ thì cần chú ý cả hàng chục năm trước đó.
Những lúc các nhà cách mạng Quảng Nam bị tù đày hết sức khổ cực, phong trào lên xuống liên tục và khủng bố dữ dội…nhưng vẫn giữ được lực lượng, giữ vững tổ chức. Và, vì có lực lượng, tổ chức sẵn sàng, được hâm nóng, khi thời cơ đến Quảng Nam đã bắt kịp…”.
Sau Hội An, các phủ huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước giành chính quyền ngay trong ngày và đêm 18.8. Các địa phương Điện bàn, Quế Sơn, Đại Lộc cũng kịp thời huy động quần chúng tự giành chính quyền thắng lợi. Ngày 19.8.1945, cùng với thời gian khởi nghĩa ở Hà Nội, Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh Quảng Nam phát đi Thông cáo cho toàn dân: “Cách mạng đã giành được toàn thắng trong phạm vi toàn tỉnh, nhân dân vĩnh viễn thoát khỏi ách nô lệ thực dân phong kiến hàng bao đời nay”.
Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng ngày, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam tổ chức trọng thể lễ ra mắt tại Hội An, tuyên bố chính quyền cách mạng của tỉnh chính thức thành lập.
Vậy bài học thắng lợi từ cách mạng tháng 8.1945 ở Quảng Nam là gì? Theo cố nhà giáo Phạm Hồng Việt, tựu trung ở 3 điểm mấu chốt: “Một là, Quảng Nam nắm bắt thời cơ rất nhanh. Hai là, nhạy bén không chờ lệnh từ Trung ương mà quyết định khởi nghĩa trước để giành chính quyền trong phạm vi toàn tỉnh. Ba là, thay đổi chủ trương rất nhanh: trước là quyết định khởi nghĩa ở các địa phương rồi mới đến đầu não của địch ở Hội An, nhưng thấy tình hình thay đổi nên quyết định phát súng đầu tiên cho khởi nghĩa là thị xã Hội An…”.
Và, với Quảng Nam, bài học chủ động nắm lấy thời cơ để giành thắng lợi trong cách mạng tháng 8.1945 đã và tiếp tục được vận dụng tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương. Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn cho rằng: “Từ bài học của cách mạng tháng 8.1945, nếu chính quyền Quảng Nam biết phát huy thế mạnh chủ động trong nhân dân, vì nhân dân trong mọi quyết sách của mình thì công cuộc xây dựng và phát triển trên mảnh đất này sẽ giành thắng lợi”.