Đông Nam Á cần vắc xin để hạn chế tử vong do Covid-19
(QNO) - Đông Nam Á oằn mình gánh liên tiếp kỷ lục buồn do Covid-19, bao gồm biến thể Delta của vi rút SARS-CoV-2. Liên đoàn Chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) nhấn mạnh, khu vực cần vắc xin để hạn chế số ca Covid-19 tử vong.
Nhiều tháng qua, Đông Nam Á đối phó làn sóng mới của đại dịch Covid-19 với biến thể Delta nhấn chìm khu vực cùng số ca tử vong tăng nhanh nhất so với các nơi khác trên thế giới.
Do đó, IFRC cho rằng các quốc gia Đông Nam Á cần được giúp đỡ nhiều hơn để đảm bảo nguồn vắc xin Covid-19.
Trước đó, Đông Nam Á thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái. Song, những tuần gần đây khu vực chứng kiến số ca tử vong cao nhất thế giới, gây áp lực lớn lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe, việc triển khai tiêm chủng diễn ra chậm chạp.
Ngày 18.8, ông Alexander Matheou - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc IFRC cảnh báo: “Đợt bùng Covid-19 lần này do biến thể Delta đang gây đau khổ cho nhiều gia đình khắp Đông Nam Á và tình trạng này còn lâu mới chấm dứt”.
IFRC lưu ý, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia công bố số ca lây nhiễm hoặc tử vong do Covid-19 kỷ lục.
Như ngày 18.8, Thái Lan báo cáo 312 ca tử vong, tăng kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, nâng tổng số ca tử vong lên 8.285 người.
Tối 17.8, Bộ Y tế Indonesia thông báo có thêm 1.180 ca tử vong và 20.741 ca nhiễm trong một ngày, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm lần lượt lên 120.013 và hơn 3,8 triệu.
Cũng ngày 17.8, Malaysia thông báo có thêm 293 ca tử vong và 19.631 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm lên lần lượt 13.077 và hơn 1,4 triệu.
IFRC cho hay, trong khi các quốc gia châu Âu như Canada, Tây Ban Nha và Anh tiêm chủng đầy đủ cho hơn 60% người dân của họ, Mỹ hơn 50% thì các quốc gia Đông Nam Á vẫn đang ở phía sau.
Trong khi phần lớn các nước phát triển mở cửa kinh doanh trở lại, nhiều nước Đông Nam Á tái áp đặt các biện pháp hạn chế để giảm tốc Covid-19. Chỉ có Singapore là trường hợp ngoại lệ - nơi có biên giới kín và tỷ lệ tiêm chủng cao.
Indonesia và Philippines - hai quốc gia đông dân nhất ở Đông Nam Á chỉ tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 10 - 11% dân số, trong khi Việt Nam ở mức dưới 2%.
Do vậy, ông Alexander Matheou cho biết: “Trước mắt, chúng ta cần những nỗ lực lớn hơn của các nước giàu hơn để khẩn trương chia sẻ hàng triệu liều vắc xin thừa của họ với các nước ở Đông Nam Á. Những tuần sắp tới là rất quan trọng để mở rộng quy mô điều trị, xét nghiệm và tiêm chủng tại tất cả quốc gia Đông Nam Á và phải đạt mục tiêu tiêm chủng 70 - 80% dân số để tiến tới miễn dịch cộng đồng”.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 18.8 (theo giờ Việt Nam), toàn cầu ghi nhận tổng cộng hơn 209 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 4,3 triệu ca tử vong do Covid-19 và khoảng 187,6 triệu trường hợp được điều trị khỏi bệnh.
Riêng tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận gần 9 triệu ca nhiễm, trong đó khoảng 194 nghìn ca tử vong.