Thấy gì từ bức tranh NFT nửa tỷ đồng của Xèo Chu
(QNO) - Họa sĩ trẻ tuổi Xèo Chu gây bất ngờ lớn cho giới nghệ thuật khi vừa bán đấu giá thành công bức tranh NFT trị giá 23.000 USD.
Xèo Chu phải trải qua quá trình thẩm định khắt khe từ sàn Binance NFT về danh tính tác giả, quyền sở hữu và nguồn gốc của tác phẩm để có thể đưa được bức tranh đầu tiên lên sàn NFT. Bức tranh sau đó được chuyển sang dạng định dạng kỹ thuật số (Digital) và đấu giá với mức khởi điểm 5.000 USD.
Chia sẻ trên trang cá nhân, Xèo Chu cho biết mình rất hạnh phúc và bất ngờ khi bức tranh được bán thành công ngay trong ngày sinh nhật. Toàn bộ số tiền sẽ được Xèo Chu đóng góp cho mục đích từ thiện. Trước đó, Xèo Chu đã tặng hàng trăm triệu đồng và nhiều thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM.
Mẹ của Xèo Chu không khỏi bất ngờ khi bức tranh NFT được mua ở giá cao, mặc dù vẫn thấp hơn thị trường thực gấp nhiều lần. Theo bà, người mua chỉ sở hữu bức tranh dưới dạng kỹ thuật số trong khi tác phẩm hiện hữu vẫn ở Việt Nam.
NFT (Non-Fungible Token) được tạo nên từ blockchain Ethereum với tính độc nhất, có thể truy xuất nguồn gốc và không thể sao chép. Vì tính chất này mà NFT được ứng dụng vào lĩnh vực nghệ thuật để xác thực quyền sở hữu của tác giả đối với một sản phẩm nào đó. Tuy nhiên, NFT không có giá trị hữu hình, bởi bản chất của nó chỉ là các đoạn mã.
Thay vì Bitcoin, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đang sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD để mua các vật phẩm được bảo mật bằng chuỗi mã NFT, từ đó mở ra một cuộc cách mạng trong cách các nhà sáng tạo thuộc mọi cấp độ khác nhau có thể bán và phân phối tác phẩm của mình.
Trước Xèo Chu, Phong Lương và Tú Na là hai nghệ sĩ khác của Việt Nam cũng từng triển lãm tranh trên sàn Binance NFT. Thành công của Xèo Chu được cho là sẽ mở đường cho nhiều nhiều nghệ sĩ khác mạnh dạn phát hành sản phẩm dưới dạng NFT.
Gần đây, tác phẩm NFT tên Everydays - The First 5000 Days được bán với giá kỷ lục 69,3 triệu USD trên sàn Binance. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các vật phẩm NFT cũng gây lo ngại vì có mô hình phát triển nóng giống “bong bóng” Bitcoin năm 2017.