Khai thác vàng trái phép ở xã Tam Lãnh (Phú Ninh): Lên phương án tối ưu bảo vệ mỏ

TRẦN HỮU 12/08/2021 06:17

Sau khi kiểm tra hiện trường và làm việc với lãnh đạo huyện Phú Ninh vào chiều 10.8, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các ngành chức năng và UBND huyện Phú Ninh tiếp tục có phương án bảo vệ khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh (Phú Ninh).

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng đoàn công tác của tỉnh xem bản đồ hiện trạng tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: H.P
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng đoàn công tác của tỉnh xem bản đồ hiện trạng tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: H.P

Bất lực trước "vàng tặc"

Khu vực mỏ vàng Bồng Miêu gồm Đồi Sim, Hố Gần, khu AD, AM, Nhà máy Đỏ, khu vực hầm lò 5, 6, 7, 10 hay bãi Thầu Đâu, Suối Tre, Thác Trắng… là những địa danh quen thuộc của giới “vàng tặc” từ gần 10 năm nay.

Năm 2016, khi nhà máy sản xuất công nghiệp của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu dừng hoạt động, gần như 365ha nằm trong phạm vi quản lý của doanh nghiệp này đã bị nhiều đối tượng đào sâu trong lòng núi tìm vàng.

Chiều 10.8, khi đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đến thị sát hiện trường, trước miệng hầm lò tại Thác Trắng tuy không thấy xuất hiện bóng dáng của phu vàng nhưng còn nhiều bao tải chứa quặng và một số bể tạm chế biến. Nhìn trên đồi núi dễ dàng thấy vô số miệng hầm lớn nhỏ khoét sâu vào lòng đất và lều bạt dựng lên.

Bí thư Huyện ủy Phú Ninh - Vũ Văn Thẩm nói: “Năm này đến năm nọ, lực lượng chức năng truy quét liên tục nhưng rồi đâu lại vào đấy. Thực tế người dân vẫn làm vàng song khó xử lý dứt điểm”.

Thượng tá Trần Thế Hùng - Trưởng Công an huyện Phú Ninh thông tin, từ đầu năm đến nay, Công an huyện phối hợp với Phòng Tài nguyên và môi trường, UBND xã Tam Lãnh tổ chức 40 đợt truy quét, phá hủy hơn 60 lán trại, lều bạt với 4.000m2 bạt, 37 máy nổ và máy phát điện, 26 cối xay...

Hiện trường khai thác vàng trái phép ngốn ngang ở Tam Lãnh. Ảnh: H.P
Hiện trường khai thác vàng trái phép ngổn ngang ở Tam Lãnh. Ảnh: H.P

UBND huyện Phú Ninh cũng đã lập biên bản và tháo dỡ lán trại kiên cố xây dựng trái phép trên diện tích đất rừng sản xuất với diện tích 250m2; phát hiện 7 trường hợp tận thu vàng trên đất rừng sản xuất.

Ngày 26.6.2021, lực lượng chức năng huyện kiểm tra tại xưởng chế biến tận thu kim loại vàng của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666, phát hiện doanh nghiệp này vẫn hoạt động ngâm ủ, chế biến tận thu trái phép.

“Do chậm đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, nhiều người dân không có việc làm ổn định, nhất là lao động mất việc làm do Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu phá sản và Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 dừng hoạt động” - Thượng tá Trần Thế Hùng nói về nguyên nhân dẫn đến khai thác vàng trái phép dai dẳng ở Bồng Miêu.

Tăng cường lực lượng công an xã

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh - Trần Quốc Danh đề xuất, Công an tỉnh cần bổ sung lực lượng cho Công an xã Tam Lãnh; đồng thời lập các chốt chặn kiểm soát hành chính ngăn chặn đối tượng vận chuyển phương tiện, hóa chất, máy móc, lương thực vào hiện trường khai thác vàng trái phép.

Miệng hầm ở khu vực Thác Trắng cho thấy phu vàng đang hoạt động. Ảnh: H.P
Miệng hầm ở khu vực Thác Trắng cho thấy phu vàng đang hoạt động. Ảnh: H.P

Về việc ngâm ủ quặng thải trái phép của Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666, theo ông Danh UBND tỉnh cần thu hồi, chấm dứt hoạt động của nhà máy tại khu vực Suối Trang.

Nhiều ý kiến cho rằng, các ngành và địa phương cần chủ động, linh hoạt lập kế hoạch bảo vệ mỏ vàng trước khi chờ Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt đề án đóng cửa mỏ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, giải pháp trước mắt là chốt chặn, rà soát không cho tiếp tế lương thực, hóa chất, máy móc vào khu vực khai thác. Về lâu dài, cần rà soát khoanh định khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cấp phép quyền khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp để tránh tình trạng tận thu trái phép như hiện nay.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, việc truy quét, xử lý đấu tranh với “vàng tặc” thời gian qua chưa giải quyết được vấn đề tận gốc. Trong khi chờ Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt đóng cửa mỏ thì phải tiếp tục tổ chức chốt chặn, truy quét.

Trước mắt, Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an huyện Phú Ninh xây dựng phương án tối ưu để xử lý triệt để các đối tượng cầm đầu tổ chức khai thác trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu; xử lý nghiêm khắc các đối tượng có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng lưu ý cần bố trí thêm lực lượng cho Công an xã Tam Lãnh, đồng thời có phương án bảo vệ tài nguyên hiệu quả, không thụ động chờ Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt đề án đóng cửa mỏ.

Đề nghị làm việc trực tuyến về đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu vừa ký Công văn (số 5048, ngày 6.8.2021) gửi Bộ Tài nguyên và môi trường liên quan đến phê duyệt đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Theo văn bản, thực tế khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu diễn biến phức tạp do địa hình hiểm trở, diện tích mỏ chưa được bàn giao về địa phương quản lý, nên sau khi truy quét lại tái diễn nạn khai thác trái phép.

Nếu không đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và bàn giao diện tích đất khu vực mỏ vàng Bồng Miêu cho địa phương quản lý thì tình hình ngày càng phức tạp do tốn chi phí truy quét, bảo vệ, thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Do vậy, tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức buổi làm việc trực tuyến giữa bộ với UBND tỉnh để thống nhất giải pháp, sớm triển khai đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu.

TRẦN HỮU