Doanh nghiệp dè dặt áp dụng "3 tại chỗ"
Chưa có nhiều doanh nghiệp tại Quảng Nam áp dụng nguyên tắc “3 tại chỗ” (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ, sản xuất tại chỗ) nhằm thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch và sản xuất. Nguyên nhân đưa ra do cơ sở hạ tầng doanh nghiệp không đảm bảo, làm không khéo sẽ dễ trở thành ổ dịch nếu không may xuất hiện F0...
Mới đây, tại cuộc làm việc trực tuyến toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, về dài hạn nếu có phát sinh nguồn lây bệnh thì “3 tại chỗ” sẽ tạo thành ổ lây nhiễm lớn.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, muốn thực hiện mục tiêu kép trong giới hạn dịch đang bùng phát thì các phương án phải hết sức linh hoạt, tùy tình hình cụ thể của từng địa phương, của mỗi ngành nghề và thậm chí của từng quy mô doanh nghiệp để tổ chức khoa học hơn.
Doanh nghiệp e ngại
Khảo sát một số doanh nghiệp cho thấy, dù thể hiện sự quyết tâm và tuân thủ các chủ trương, hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 nhưng việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng ứng.
Tại Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), đến thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp triển khai phương án này, số khác hoặc sản xuất bình thường hoặc sử dụng 50% số lao động cho mỗi ngày làm việc...
Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Công ty Việt Vương (KCN Điện Nam - Điện Ngọc) cho rằng, cần cân nhắc khi triển khai phương án “3 tại chỗ”, vì không đáp ứng được yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp và người lao động, nhất là về lâu dài.
“Công ty tôi có 2 nhà máy đang hoạt động ở miền Nam, các báo cáo trong đó gửi ra đều thừa nhận việc triển khai “3 tại chỗ” không thành công. Nếu có thể cũng chỉ triển khai ngắn hạn 2 - 3 tuần vì nhiều người đăng ký sau một thời gian đều muốn về, chưa kể số lao động ở lại làm việc cũng không đồng đều và không đảm bảo số lượng.
Theo tôi, việc triển khai “3 tại chỗ” chỉ nên diễn ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc không thương lượng được với khách hàng về thời gian giao hàng…” - ông Kiên nói.
Tại Công ty Việt Vương phương án “3 tại chỗ” đã xây dựng xong nhưng số lao động đăng ký ở lại rất ít (chưa đến 20% và không đồng đều giữa các bộ phận) nên hiện vẫn chưa quyết định có triển khai hay không.
Công ty Việt Vương có khoảng 2.100 công nhân đang làm việc. Hiện tại, doanh nghiệp này cũng chỉ mới triển khai “3 tại chỗ” cho khoảng 50 nhân viên, công nhân có nhà ở Đà Nẵng. Còn hầu hết lao động thực hiện phương án sáng đi chiều về. Riêng khoảng 180 công nhân ở Hội An (nằm trong vùng cách ly) công ty phải thuê 4 xe loại 50 chỗ đưa đón đi làm mỗi ngày.
Ở Cụm công nghiệp Tây An, Duy Trung, Duy Xuyên, ông Huỳnh Tấn Tuấn - Giám đốc Xí nghiệp may Duy Trung cũng cho hay, hiện tại đơn vị vẫn chưa triển khai “3 tại chỗ” mặc dù đã xây dựng đầy đủ phương án.
“Khi nào xảy ra F0 trong nhà máy, chính quyền yêu cầu thực hiện cách ly các F1, F2 liên quan thì công ty sẽ triển khai ngay” - ông Tuấn nói.
Cụ thể, trong trường hợp có yêu cầu triển khai “3 tại chỗ” đơn vị sẽ bố trí công nhân ăn ở tại khu nhà xưởng chưa hoạt động kế bên vì chỗ này có thể đảm bảo cho 500 người ở lại (trong tổng số 650 công nhân của đơn vị).
Xây dựng phương án phù hợp
Ông Nguyễn Phụ - Phó Trưởng ban Quản lý KCN Điện Nam - Điện Ngọc cho biết, việc triển khai “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp trong KCN đến nay đã thực hiện được hơn 2 tuần. Tuy nhiên thực tế phát sinh một số vấn đề trong công tác quản lý như giao dịch với đối tác bên ngoài, làm việc với ngân hàng, giao nhận hàng qua lại các chốt...
“Mặc dù phương án “3 tại chỗ” trước đây mình đánh giá rất tốt nhưng thực tế vẫn còn nhiều kẽ hở. Đơn cử, thông thường trước khi triển khai “3 tại chỗ” chúng ta phải triển khai xét nghiệm toàn bộ lực lượng lao động tại chỗ để sàng lọc rồi mới tiến hành thực hiện. Thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm, may mắn là đến giờ phút này chưa có vấn đề gì xảy ra” - ông Phụ nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, Bộ Y tế đã có công văn 5522 ngày 22.7 quy định và hướng dẫn rất cụ thể về từng tình huống phải ứng phó tại các cơ sở sản xuất.
Cụ thể, với từng cấp độ dịch bệnh từ lúc chưa ghi nhận trường hợp bệnh cho đến khi xuất hiện các trường hợp bệnh trong đơn vị cần khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan; đảm bảo vệ sinh khử khuẩn môi trường tại đơn vị.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, Quảng Nam đã yêu cầu các cơ sở sản xuất thực hiện hai nguyên tắc là “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”. Tuy nhiên, qua quan sát ở một số địa phương lân cận, hoặc những địa phương ở khu vực miền Bắc, miền Nam cho thấy nếu không làm kỹ hoặc làm mang tính cứng nhắc, việc này sẽ có những bất cập nhất định.
“Do vậy, tôi đã yêu cầu Sở Công Thương và Sở Y tế nghiên cứu các nguyên tắc này từ các tỉnh bạn trên cơ sở kế thừa những thành tựu, khắc phục hạn chế và xây dựng kịch bản phù hợp với thực tiễn của Quảng Nam” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.