Biến thể Lambda cần được theo dõi chặt chẽ
(QNO) - Trong khi biến thể Delta lan nhanh toàn cầu thì một biến thể khác của vi rút SARS-CoV-2 mang tên Lambda cũng có khả năng lây nhiễm và kháng vắc xin cao. Song, kiểm soát tốt Covid-19 có thể ngăn chặn được biến thể này.
Sự xuất hiện của biến thể Lambda
Biến thể Lambda được phát hiện lần đầu tiên ở Peru vào tháng 8.2020 và lây lan qua nhiều quốc gia Nam Mỹ khác, rồi xuất hiện lần đầu tiên tại Mỹ vào ngày 22.7 mới đây tại một bệnh viện ở Houston.
Theo GISAID - một sáng kiến khoa học toàn cầu và là nguồn sơ cấp cho nền tảng dữ liệu mở về hệ gen của vi rút cúm và vi rút SARS-CoV-2, Mỹ đến nay phát hiện hơn 1.000 trường hợp nhiễm biến thể Lambda. Đồng thời biến thể này hiện có mặt tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Như vào ngày 6.8, giới chức y tế Nhật Bản xác nhận trường hợp đầu tiên của nước này nhiễm biến thể Lambda. Đây là bệnh nhân nữ (khoảng 30 tuổi) người Nhật Bản, trở về từ Peru ngày 20.7 và nhập cảnh tại sân bay Haneda.
Tác dụng của vắc xin Covid-19 hiện có với Lambda
Ngày 28.7, các nhà khoa học Nhật Bản tại Đại học Tokyo đăng một nghiên cứu trên trang bioRxiv về Lambda cho thấy biến thể này có khả năng lây nhiễm cao và kháng nhiều hơn với vắc xin Covid-19 hiện có trên thế giới. Song, vấn đề này cần được nghiên cứu thêm.
Tuy vậy, các nhà khoa học trên thế giới như giáo sư Mayo Clinic (Ba Lan) khẳng định, ngày càng nhiều người không đeo khẩu trang và vẫn chưa tiêm chủng thì càng có nhiều khả năng các biến thể bổ sung sẽ xuất hiện, bao gồm cả biến thể có thể né tránh hoàn toàn vắc xin.
Bởi, vi rút corona mới tiếp tục di chuyển từ người sang người, với mỗi lần nhiễm mới, nó sẽ thay đổi một chút - giống như bất kỳ loại vi rút nào - những thay đổi hoặc đột biến đó có thể là lành tính hoặc khiến nó dễ lây lan và nguy hiểm hơn.
Lambda - “biến thể được quan tâm"
Vào ngày 14.6.2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gắn nhãn biến thể Lambda là “biến thể cần quan tâm” thay vì “biến thể đáng lo ngại”. Điều đó có nghĩa biến thể này không phải là mối đe dọa của đại dịch đang diễn ra.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo chính việc gắn nhãn này của WHO khiến thế giới không nhận ra mối nguy hiểm tiềm tàng đang diễn ra bởi vì biến thể Lambda tương đối kháng lại các kháng thể do vắc xin tạo ra, do đó có khả năng gây ra đợt bùng phát mới của đại dịch Covid-19.
Vì thế, các nhà khoa học cho rằng, cũng giống như biến thể Delta đang hoành hành trên toàn cầu, biến thể Lambda cũng cần được theo dõi chặt chẽ. Việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19 nói chung sẽ giúp kiểm soát được các biến thể của vi rút SARS-CoV-2 bao gồm biến thể Lambda.