Cần tăng cường công tác phòng dịch Covid-19 tại chợ
(QNO) – Gần đây, nhiều chuỗi lây nhiễm Covid-19 đã xuất hiện tại các chợ, trong đó có các chợ cá với tốc độ lây lan nhanh gây khó khăn trong công tác khoanh vùng dập dịch. Điều này cho thấy, mối nguy tiềm ẩn trong hoạt động mua bán và kiểm soát quá trình nhập hàng hóa về chợ từ nhiều nơi cần được thực hiện nghiêm hơn nữa. Ghi nhận từ một số chợ cá trên địa bàn tỉnh.
1. Từ 3h giờ sáng, hàng trăm thương lái, tiểu thương đã có mặt tại chợ cá Tam Tiến (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) để thu mua hải sản từ tàu đánh cá. Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số người dân chấp hành việc đeo khẩu trang trong quá trình mua bán. Tuy nhiên, việc giãn cách gần như không thực hiện tốt ở chợ cá này. Hàng trăm người tụ tập trong một khu vực nhỏ để thu mua hải sản; trong số đó nhiều thương lái là người ngoài địa phương, quá trình di chuyển, buôn bán phức tạp.
Theo ông Nguyễn Xuân Luận - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến (Núi Thành), xác định chợ cá Tam Tiến là điểm giao thương lớn, lượng tiểu thương, thương lái đông, có cả thương lái đến từ tỉnh Quảng Ngãi, là nguy cơ bùng phát dịch nếu không được kiểm soát tốt. UBND xã Tam Tiến đã yêu cầu Ban quản lý chợ thôn Hà Lộc (quản lý chợ cá Tam Tiến) và các tổ giám sát cộng đồng tăng cường công tác tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh để người dân thực hiện tốt quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Vừa qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Quảng Ngãi, UBND xã Tam Tiến đã yêu cầu thương lái đến từ Quảng Ngãi phải khai báo y tế và thông tin về việc phải cách ly y tế khi đến Quảng Nam. Các thương lái này chấp hành tốt yêu cầu của UBND tỉnh và tạm thời không đến thu mua hải sản tại chợ cá Tam Tiến.
“Trên địa bàn xã Tam Tiến vừa qua cũng ghi nhận vài trường hợp người dân trên địa bàn vận chuyển hải sản đến một số vùng dịch tại Hội An, Đà Nẵng. Nhưng qua rà soát, lấy mẫu xét nghiệm thì những trường hợp này đều có kết quả âm tính. Hiện chúng tôi cũng vận động người dân địa phương tạm dừng việc vận chuyển tôm sống đến các địa phương Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hội An như trước đây để đảm bảo an toàn phòng chống dịch” – ông Luận nói.
2. Bà Vũ Thị Thanh Nga – Trưởng BQL chợ Tam Kỳ cho biết, lợi thế của chợ là các mặt hàng phân bố thành nhiều khu vực, giãn cách và có lối đi rộng giữa các gian hàng. Điều này hạn chế được việc tập trung đông người trong một thời điểm tại một gian hàng.
Cạnh đó, BQL chợ Tam Kỳ cũng thường xuyên tuyên truyền công tác phòng chống dịch qua loa phát thanh; phân công lực lượng bám sát từng khu vực, theo dõi các hoạt động kinh doanh và trực tiếp nhắc nhở đối với các trường hợp không chấp hành.
“Chúng tôi đặc biệt kiểm soát hàng hóa nhập về chợ từ các địa phương ngoại tỉnh. Khi xe chở hàng hóa dù đã qua các đợt kiểm tra ở các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh nhưng khi đến chợ vẫn phải khai báo y tế, trình giấy xét nghiệm PCR hoặc phiếu test nhanh còn hiệu lực. Ban quản lý chợ cũng bố trí lực lượng giám sát quá trình giao nhận hàng hóa và yêu cầu các tài xế thực hiện nghiêm quy tắc 5K của Bộ Y tế” – bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, vừa qua, UBND TP.Tam Kỳ cũng phân bổ 250 liều vắc xin phòng dịch Covid-19 để tiêm cho các tiểu thương chợ Tam Kỳ. BQL chợ cũng đã ưu tiên tiêm cho những trường hợp lớn tuổi, tiểu thương kinh doanh các hàng hóa có nguy cơ cao và các tiểu thương chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch.
Clip hoạt động mua bán, kinh doanh hàng hóa tại chợ Tam Kỳ đảm bảo giãn cách:
Ông Nguyễn Hồng Lai – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, với yêu cầu “không đeo khẩu trang, không vào chợ”, địa phương đã kiểm soát tốt các hoạt động phòng chống dịch tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn. UBND TP.Tam Kỳ thường xuyên tuyên truyền các tiểu thương thực hiện quy định giãn cách, tăng cường bán hàng online, nhất là đối với các hàng hóa may mặc, vật dụng kinh doanh gia đình.
UBND TP.Tam Kỳ đã xử phạt gần 40 trường hợp không chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch tại chợ.
***
Thời gian qua, phần lớn nguồn lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh đều xuất phát từ các chợ như cảng cá Thọ Quang (TP.Đà Nẵng), chợ cá Thanh Hà (TP.Hội An). Điều này dấy lên lo ngại về tình trạng phòng chống dịch tại chợ còn lơi lỏng, vấn đề giãn cách chưa được thực hiện nghiêm. Đặc biệt, các địa phương chưa kiểm soát các thương lái là người ngoài địa phương đến buôn bán, kinh doanh tại chợ. Và hệ quả là xuất hiện các chuỗi lây nhiễm phức tạp, một số chợ tạm ngưng hoạt động, các địa phương áp dụng lệnh phong tỏa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Gần đây nhất là việc phỏng tỏa Chợ Được (xã Bình Triều, Thăng Bình), chợ khu công nghiệp Hà Lam - Chợ Được khi có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Các địa phương trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo Công văn 5858 của Bộ Y tế gửi Bộ Công Thương và UBND các tỉnh thành về hướng dẫn phòng chống dịch tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các địa phương thực hiện nghiêm hướng dẫn phòng chống dịch tại chợ của Bộ Y tế, Bộ Công Thương và UBND tỉnh. Đặc biệt, tăng cường giám sát, nhắc nhở người dân thực hiện đúng nguyên tắc 5K; xem xét giãn mật độ buôn bán, đặt biển cảnh báo các lối ra vào chợ; chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại khu vực ăn uống; khuyến khích tiểu thương kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chợ bán mang đi.