Trọn đời vì nước, vì dân
(QNO) - Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều lĩnh vực công tác, với những cương vị quan trọng khác nhau, đồng chí Lê Quang Đạo luôn phấn đấu không mệt mỏi, cống hiến hết mình cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Trưởng thành từ gian khó
Với những hoạt động và cống hiến đối với Đảng, cách mạng và dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Năm 1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách, lần lượt làm Bí thư Ban cán sự Đảng (Bí thư Tỉnh ủy hiện nay) các tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên; Xứ ủy viên, rồi Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ với nhiệm vụ xây dựng các cơ sở đảng, giúp Trung ương đào tạo cán bộ cho phong trào quần chúng đấu tranh sâu rộng, mạnh mẽ, tạo những tiền đề và điều kiện thuận lợi cho khởi nghĩa thắng lợi ở vùng này.
Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đồng chí được cử về tham gia thành lập Thành ủy Hải Phòng và được cử làm Bí thư. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng trong lúc cách mạng đang ở thế “nghìn cân treo sợi tóc”, đồng chí đã tích cực đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức cứu quốc, củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang và chỉ đạo tổ chức thành công Tổng tuyển cử ở Hải Phòng, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Đối với Hà Nội, đồng chí Lê Quang Đạo có 3 lần giữ cương vị Bí thư Thành ủy. Lần thứ nhất từ tháng 10.1943 đến tháng 10.1944, khi Hà Nội trong tình thế vô cùng khó khăn trước những cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp. Trên cương vị Bí thư Thành ủy, đồng chí đã thể hiện tài năng lãnh đạo, trực tiếp tham gia với giới trí thức, học sinh, sinh viên xây dựng các tổ chức quần chúng nhằm tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân Hà Nội ủng hộ và tham gia cách mạng.
Lần thứ hai từ tháng 5.1946 đến tháng 12.1946, thời gian này tình hình Hà Nội vô cùng căng thẳng, thực dân Pháp chuẩn bị gây chiến, là Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội (Khu XI), đồng chí đã cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Trung ương rút khỏi Hà Nội an toàn, cùng Trung đoàn Thủ đô chiến đấu, cầm cự trong nội thành suốt 2 tháng và cũng là một trong những người cuối cùng rút khỏi Hà Nội.
Lần thứ ba, từ cuối năm 1947 đến đầu năm 1948, lúc này cơ quan của Thành ủy Hà Nội chuyển về đóng ở Chương Mỹ, Hà Đông. Đồng chí đã quyết định đưa cán bộ về cơ sở, tiến hành xây dựng và khôi phục các chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng, tổ chức lực lượng du kích, đào hầm bí mật, chiến đấu ngay trong lòng địch, gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất.
“Anh cả của ngành tuyên huấn quân đội”
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến không lâu, đồng chí vào quân đội và bắt đầu chặng đường hơn một phần tư thế kỷ dày dạn trong khói lửa chiến tranh cách mạng. Người lính ấy đã cầm súng đi suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc, có mặt ở những chiến trường nóng bỏng với những trọng trách: phụ trách công tác tuyên huấn chiến dịch Biên giới 1950, Phó Chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Năm 1955 đồng chí được phân công làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Quân ủy Trung ương…, cùng quân và dân lập nên những chiến thắng vẻ vang, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Gần 30 năm trong quân đội, đồng chí góp phần xây dựng quân đội vững vàng, kiên định về tư tưởng, trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ.
Với những đóng góp to lớn và quan trọng đối với công tác chính trị, tư tưởng trong quân đội, đồng chí Lê Quang Đạo được mệnh danh là “Anh cả của ngành tuyên huấn quân đội”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ lãnh đạo có đức độ và tài năng của Đảng ta và quân đội ta… Suốt 28 năm trong quân ngũ, Lê Quang Đạo đã đem hết tài năng và sức lực, tâm hồn và trí tuệ xây dựng và chỉ đạo ngành Tuyên huấn quân đội. Anh là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc của quân đội và của Đảng... Anh là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ đã từng dạy. Anh coi trọng xây dựng quân đội về chính trị và tư tưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu...”.
Với những hoạt động và đóng góp với ngành tuyên huấn quân đội trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo đã được phong hàm Thiếu tướng năm 1958 và Trung tướng năm 1974.
Cống hiến đến hơi thở cuối cùng
Chiến tranh kết thúc, đồng chí tiếp tục được giao nhiều trọng trách. Cũng chính trong khoảng thời gian 2 thập niên cuối đời, đồng chí Lê Quang Đạo đã phát huy tài năng và phẩm chất cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong hòa bình. Không chỉ nổi danh khi đảm nhiệm các trọng trách trong 28 năm quân ngũ mà ông còn để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trên cương vị Trưởng ban Khoa giáo Trung ương (1982), Chủ tịch Quốc hội (1987 - 1992) và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam…Với cương vị là Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương và công tác dân vận vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, đồng chí Lê Quang Đạo đã có nhiều đóng góp quan trọng, thúc đẩy cuộc đổi mới đất nước trong đó lĩnh vực khoa học và giáo dục được đồng chí đặc biệt chú trọng. Đồng chí yêu cầu: Phải nâng cao chất lượng giáo dục nhằm hình thành nhân cách xã hội chủ nghĩa, trước hết là nâng cao giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức trong giáo viên và học sinh; làm cho giáo dục phục vụ tích cực mục tiêu kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu phân công lao động xã hội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Những quan điểm về GD-ĐT của đồng chí là những định hướng cơ bản cho công tác GD-ĐT trong những năm đổi mới đất nước.
Trong 6 năm giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước (1987 - 1993), đồng chí Lê Quang Đạo đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhất là việc đẩy mạnh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, phục vụ cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đồng chí đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992, phù hợp với Cương lĩnh năm 1991 - Cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng trong giai đoạn mới.
Với 17 năm tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và 5 năm giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (1994 - 1999), đồng chí đã có nhiều đóng góp trong xây dựng Mặt trận, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, năm 1993 đồng chí đã cùng cán bộ, Đảng đoàn Mặt trận tham mưu Đảng ban hành Nghị quyết 07 (ngày 17.11.1993) về “Đại đoàn kết dân tộc, tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới”, một nghị quyết tạo bước ngoặt cho đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước.
Với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí đã cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Quốc hội Khóa X, Kỳ họp thứ 5 nhất trí thông qua Luật MTTQ Việt Nam. Đây là công trình lớn cuối cùng của đồng chí cống hiến cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân trước lúc ra đi.
Đồng chí Lê Quang Đạo đã sống và cống hiến cho đất nước đến hơi thở cuối cùng và để lại cho cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang tấm gương cao đẹp về nhân cách một người cộng sản Việt Nam mẫu mực - một người đồng chí gần gũi, khiêm tốn, chân thành, thủy chung đầy lòng nhân ái, sống giản dị trong sáng - một cán bộ lãnh đạo hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng và nhân dân.