Phước Sơn phải tạo không gian riêng với lợi thế về địa hình và bản sắc văn hóa
Chiều qua 4.8, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp thông qua đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phước Sơn đến năm 2030.
Theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phước Sơn, đến năm 2030 địa phương phấn đấu dân số đạt khoảng 31.900 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 62,6%; phân vùng phát triển theo 3 khu vực: vùng cao, vùng trung và vùng thấp, đảm bảo với các dự án sắp xếp lại dân cư, trung tâm hành chính các xã, điểm dân cư nông thôn...
Trong đó, đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế; bảo tồn phát triển các loại cây bản địa, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như quế, sâm ngọc linh, đảng sâm, ba kích gắn với kinh tế trang trại, chăn nuôi tập trung.
Tại vùng thấp, ngoài định hướng phát triển chủ yếu công nghiệp - thương mại dịch vụ và lâm nghiệp, chú trọng đầu tư các cụm công nghiệp, hình thành các tổ hợp cơ khí vừa và nhỏ; ưu tiên các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại thị trấn Khâm Đức.
Đến năm 2030, Phước Sơn phấn đấu hình thành 2 đô thị cơ bản, gồm Khâm Đức (loại IV) và Phước Hiệp (loại V). Trong đó, Khâm Đức là trung tâm hành chính chính trị, văn hóa - xã hội; đầu mối giao thông quan trọng giao lưu kinh tế của vùng tây Quảng Nam với các tỉnh Tây Nguyên và phía Bắc... Tại buổi làm việc, huyện Phước Sơn kiến nghị một số nội dung liên quan đến các giải pháp bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, giá trị cảnh quan, môi trường sinh thái.
Thống nhất với quy hoạch đồ án xây dựng vùng huyện Phước Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, Phước Sơn có vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh - tế xã hội của miền núi, cửa ngõ kết nối với các địa phương lân cận và các tỉnh Tây Nguyên theo trục đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14E.
Vì thế, bên cạnh đảm bảo các tiêu chí phát triển đô thị Khâm Đức, cần chỉnh trang các hệ thống hạ tầng cơ sở tại hiện trạng cũ và tiếp tục mở rộng hình thành trung tâm phát triển mới theo quy hoạch xây dựng đã được thông qua.
Đồng chí Lê Trí Thanh lưu ý, thời gian đến địa phương cần chú trọng đầu tư các công trình công cộng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời mở rộng diện tích về hướng hồ Mùa Thu, đảm bảo diện mạo phát triển mới đa dạng về dịch vụ. Phước Sơn phải tạo không gian riêng với lợi thế về địa hình và bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Bh’noong.
Ngoài ra, thống nhất theo phân chia vùng của huyện nhưng phải đảm bảo các nhiệm vụ phát triển mới; hình thành điểm dừng chân hấp dẫn tại thị trấn Khâm Đức để phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách; kết nối với trục hành lang Trung Tây Quảng Nam, tạo sức hút cho du lịch dừng chân bằng các sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi, thưởng ngoạn của du khách trong và ngoại nước.
Riêng tại Phước Hiệp, cần xác định đây là đô thị nông thôn, phục vụ cho phát triển các xã vùng thấp, vì thế đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, hình thành các cơ sở chế biến lâm sản gắn với thương mai, dịch vụ...