Thăng trầm nghề nuôi ong lấy mật

BÙI HUÂN - NGUYỄN QUỲNH 04/08/2021 16:29

(QNO) - Ông Nguyễn Đình Nhung (55 tuổi, quê ở huyện Krông Buk, Đắk Lắk) năm nay chọn vùng triền đồi tại thôn Phước Lợi, xã Tam Lãnh, Phú Ninh làm nơi tá túc cho đàn ong mật. Năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thời tiết thất thường khiến nghề nuôi ong lấy mật nay đây mai đó trở nên khó khăn hơn.

Ông Nhung đang kiểm tra đàn ong mật của mình. Ảnh: H.Q
Ông Nhung kiểm tra đàn ong mật của mình. Ảnh: H.Q

Đã hơn 10 năm nay, ông Nhung rong ruổi theo đàn ong đi hết cánh rừng này sang cánh rừng khác để tìm nguồn mật cho đàn ong. Vượt hơn 1.000km từ tỉnh Đắk Lắk, ông theo đám bạn trong nghề nuôi ong với hơn 20 thành viên chọn cánh rừng nguyên sinh ở Phú Ninh làm nơi tá túc để nuôi ong lấy mật hơn 4 tháng nay.

“Vị thế ở đây rất lý tưởng để nuôi ong, nhiều cây keo lớn tán rộng vừa có thể tránh được nắng, rét và gió mạnh cho đàn ong. Tuy là đồi núi nhưng đất lại rất bằng phẳng nên thuận tiện để đặt các thùng nuôi ong. Nhất là từ đầu tháng 2 dương lịch hằng năm, khi hoa keo và các loại hoa rừng nở rộ ở vùng đồi núi Tam Lãnh, ong sẽ thu mật về nhiều hơn” – ông Nhung chia sẻ.

Lâu nay, cuộc sống du mục của ông Nhung gắn liền với đàn ong mật, mỗi cánh rừng núi hiểm trở, hoang vu đều là "quê nhà" của ông và đàn ong mật khi mùa hoa đến.

Ông Nhung kể, năm trước ông chọn xã Tam Sơn (Núi Thành) để nuôi ong, sau một thời gian thì người dân thu hoạch gần hết cây keo, lượng hoa rừng cũng giảm dần nên ông di chuyển đàn ong qua Phú Ninh. "Nuôi ong cực lắm, nắng non, mưa gió, sống mãi giữa rừng hoang" - ông Nhung nói.

Tổng quan trang trại nuôi ong mật rộng hơn 500m2 của ông Nhung. Ảnh: H.Q
Trại nuôi ong mật rộng hơn 500m2 của ông Nhung. Ảnh: H.Q

"Năm nay, giá thức ăn cho ong lên cao nên phần nào khiến anh em trong nghề nuôi ong gặp khó khăn. Với 300 thùng gỗ chứa 30.000 con ong như trại của tôi, 2 ngày tôi cho ăn một lần gồm 50kg bột đậu nành và 80kg đường. Giá đường thì hiện tại quá cao, lên tới 190 nghìn đồng/1kg. Bình thường thì 2 tháng có thể thu hoạch mật nhưng hiện nay thời tiết thất thường quá, hôm thì nắng như đổ lửa, hôm thì mưa giông nên đàn ong chưa cho mật ổn định được.

Được biết, ông Nhung đã thuê vườn keo lưỡi liềm của người dân xã Tam Lãnh với diện tích hơn 500m2 với giá 700 ngàn đồng/tháng. Cạnh đó, có hơn 20 trang trại nuôi ong của những đồng nghiệp ông Nhung đến từ các tỉnh Tây Nguyên cũng vào đây chọn vùng đất xã Tam Lãnh để nuôi ong. Những trại nuôi ong này đã giúp cho một số người dân ở xã Tam Lãnh có công việc thời vụ thường xuyên.

Ông Đặng Tấn Nguyên (42 tuổi, thôn Phước Lợi, xã Tam Lãnh, Phú Ninh) cho biết: “Từ khi được thuê đánh máy và quay mật ong, tôi có nguồn thu nhập ổn định, cứ làm xoay vòng từ trang trại này đến trang trại khác thì mỗi tháng thu nhập khoảng từ 6 – 7 triệu đồng”.

“Mấy năm trước, việc thu hoạch mật diễn ra cấp tốc để kịp cung ứng cho thương lái. Hơn 300 thùng ong mật như hiện nay, nếu thuận lợi, một tháng sẽ thu lại khoảng 40 - 45 lít mật nguyên chất. Mật ong thu hoạch đến đâu đều có thương lái thu mua đến đó, cung ứng cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang nước ngoài. Nhưng năm nay dịch bệnh phức tạp hơn thì thị trường tiêu thụ không còn nhiều nữa, giá mật thì mấy năm trước khoảng 28 – 30 nghìn đồng/1 lít, năm nay rớt xuống chỉ còn 13 – 14 nghìn đồng/1 lít” – ông Nhung bộc bạch.

Dù vậy, những trại ong ấy vẫn tồn tại, lặng lẽ trong những cánh rừng. Nhưng con người vẫn thầm lặng vui vầy cùng đàn ong đi về mỗi ngày để chắc chiu dòng mật cho người.

BÙI HUÂN - NGUYỄN QUỲNH