Phòng chống dịch bệnh Covid-19: Chủ động trong mọi tình huống

XUÂN HIỀN 04/08/2021 07:53

Xây dựng các phương án thích ứng khi năng lực tiếp nhận các khu cách ly tập trung (CLTT) trên địa bàn gặp quá tải trước tình hình số lượng người từ các vùng dịch về càng đông. Bên cạnh đó, việc phòng chống dịch trong tình huống thiên tai sẽ thực hiện như thế nào, là điều đặt ra đối với Quảng Nam thời điểm này. 

Người về quê tự do được kiểm soát tại chốt ở đèo Lo Xo. Ảnh: H.Q
Người về quê tự do được kiểm soát tại chốt ở đèo Lo Xo. Ảnh: H.Q

Đây là nội dung tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh cũng như xây dựng các phương án cách ly tập trung, phòng chống dịch bệnh trong tình huống thiên tai do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì, hôm qua 3.8.

Phương án khi F0, F1 tăng đột biến

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, trong thời gian tới có thể gia tăng đột biến số F0, F1 trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 18.7 đến nay, Quảng Nam có đến 147 ca bệnh, trong đó có 2 ca bệnh cộng đồng, 78 ca lây nhiễm thứ phát (đã CLTT trước khi phát hiện), 42 ca xâm nhập từ các tỉnh và 25 ca nhập cảnh. Trong số này, riêng người về từ TP.Hồ Chí Minh đã ghi nhận đến 20 ca mắc Covid-19 tại các khu CLTT. 

Theo ông Nguyễn Văn Văn, cần quản lý chặt chẽ và tăng số chốt, số người phục vụ tại các chốt kiểm soát, phát hiện kịp thời để ngăn chặn, phân luồng trên các tuyến đường, ngăn chặn người vào Quảng Nam trái phép. Hiện tại, Sở Y tế đề nghị tại các chốt kiểm soát, lực lượng trực chốt phải phân luồng đối với người Quảng Nam và người các địa phương khác.

“Đối với người Quảng Nam sẽ lập danh sách theo từng huyện, bố trí địa điểm cho bà con tạm nghỉ để test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2, nếu dương tính được đưa đi cách ly tạm thời để chờ kết quả xét nghiệm PCR; những người âm tính thì được lực lượng Công an tổ chức viết cam kết, sau đó được đi phương tiện cá nhân về thẳng trụ sở Công an huyện, từ đây được thông báo và chuyển đến cơ sở CLTT phù hợp” - ông Văn nói. 

Các khu cách ly tập trung tại Quảng Nam hiện nay chủ yếu tận dụng các cơ sở trường học. Ảnh: X.H
Các khu cách ly tập trung tại Quảng Nam hiện nay chủ yếu tận dụng các cơ sở trường học. Ảnh: X.H

Đối với các khu CLTT, trong tình huống vượt năng lực tiếp nhận thì các địa phương liên hệ với nhau, nơi nào còn khả năng đáp ứng thì cần chia sẻ và điều tiết lượng người được CLTT cho phù hợp. Cùng với đó, nếu lượng người về vượt năng lực 100 - 150% của các khu CLTT thì Sở Y tế tính toán đến phương án giảm số ngày CLTT và tăng số ngày cách ly tại nhà.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, hiện trên địa bàn thành phố có rất nhiều cơ sở lưu trú có nhu cầu được cấp phép để thực hiện CLTT thu phí. “Điều này sẽ giảm tải rất nhiều cho các khu CLTT dân sự. Tuy nhiên, các cơ sở này cần được sự tư vấn về chuyên môn của Sở Y tế cũng như các ban ngành khác” - ông Nguyễn Văn Lanh nói.

Cũng theo ông Lanh, hiện tại Hội An có 3 tâm dịch lớn với số lượng ca bệnh đã lên đến hàng chục người, riêng phường Thanh Hà có 29 F0, trong đó nhiều gia đình có đến 6 F0. Ông Lanh nói, Hội An đã khá chủ động trong các khâu truy vết, khoanh vùng; tuy nhiên số lượng mẫu xét nghiệm địa phương đang cần rất nhiều, dù đã mua 3 nghìn test, nhưng với tình hình hiện tại thì cần được hỗ trợ từ phía tỉnh.

Phòng dịch và chống thiên tai

Thời gian tới, theo dự báo, Quảng Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan. Do vậy, làm gì nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp trong tình huống thiên tai? Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, thiên tai năm nay tiếp tục được dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh đến các địa phương với nhiều loại hình khác nhau từ lũ lụt cho đến sạt lở.

“Việc ứng phó với thiên tai trong tình hình dịch bệnh sẽ đòi hỏi các địa phương phải thật sự quan tâm để giảm thiểu thiệt hại kép. Các sở ban ngành phải nhận thông tin về thiên tai và dịch bệnh cũng như các vùng xảy ra dịch bệnh để có sự phân công và cơ chế phối hợp giữa các bên” - ông Trương Xuân Tý nói.

Theo ông Tý, các địa phương ở trong vùng nguy cơ thiên tai kể cả đồng bằng lẫn miền núi cần chuẩn bị công cụ, trang thiết bị, thuốc men cho Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và các lực lương tham gia công tác này.

“Chúng tôi đã lập phương án sơ tán dân phù hợp bằng cách xen ghép và tại chỗ, hạn chế tối đa sơ tán ra khỏi các chốt. Do đó, các địa phương phải rà soát đánh giá số lượng các nhà kiên cố trên địa bàn; đánh giá các cơ sở y tế cách ly tập trung, mức độ an toàn của các cơ sở này; sẵn sàng huy động nhu yếu phẩm cũng như vật tư y tế trong thời điểm xảy ra thiên tai; có danh sách lực lượng xung kích huy động trong công tác phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, áp dụng công nghệ trong triển khai thông tin trực tuyến, bám sát phương án kịch bản đã xây dựng để điều hành chỉ đạo tập trung theo quyết định tại chỗ. Ngành y tế cần xét nghiệm nhanh cho lực lượng phòng chống thiên tai cũng như người dân tại các vùng có nguy cơ thiên tai, ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng này” - ông Trương Xuân Tý chia sẻ. 

Nhiều địa phương cho rằng, khi thiên tai xảy ra, việc giao thông giữa các vùng sẽ bị đứt gãy. Nếu trong tình huống xuất hiện F0 tại vùng bị ảnh hưởng thiên tai thì công tác điều trị lại vượt tầm của Trung tâm Y tế địa phương. Điều này cần sự chủ động từ ngành y tế đối với các khâu xét nghiệm, truy vết cũng như tăng cường nhân lực về các nơi này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu các địa phương chủ động trong việc ứng phó với các tình huống thiên tai trên địa bàn, giữ thông tin liên lạc thông suốt. Ngoài ra, đảm bảo đáp ứng nhu yếu phẩm, trang thiết bị, vật tư, thuốc men ở những vùng có nguy cơ về thiên tai. Ngành y tế và nông nghiệp phải kết nối với nhau để hỗ trợ các tình huống phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh thiên tai.

XUÂN HIỀN