Start-up, thích ứng để tồn tại

HUYỀN PHƯƠNG 02/08/2021 07:10

Dịch Covid-19 tác động làm nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, đặc biệt là các mô hình khởi nghiệp còn non trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thử thách bản lĩnh các start-up phát huy tính sáng tạo để thích ứng với tình hình mới.

Nhiều mô hình khởi nghiệp đã chuyển đổi hoạt động để tồn tại trong dịch bệnh.
Nhiều mô hình khởi nghiệp đã chuyển đổi hoạt động để tồn tại trong dịch bệnh.

Chuyển đổi mô hình

Không đợi Covid-19 đi qua, nhiều start-up tận dụng thời gian này để thiết kế lại mô hình kinh doanh, chủ động đưa ra nhiều dịch vụ và sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Theo khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Sysvietnam - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam), trong năm 2020, có tới 50% start-up xác nhận tình trạng hoạt động cầm chừng và phát sinh thu nhập không đáng kể; trong khi đó 23% start-up cho rằng đang mất đi cơ hội mở rộng thị trường, 20% start-up tạm dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh; 4% Start-up phải dừng mọi hoạt động quảng cáo nhằm tiết kiệm chi phí và chỉ 3% bị ảnh hưởng một cách hạn chế, không đáng kể.

Anh Nguyễn Văn Dưỡng (xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn) - chủ Công ty Tư vấn giải pháp kinh doanh quán cà phê sạch Dana chia sẻ, dịch Covid-19 bùng phát, nhà hàng, quán xá đều đóng cửa, nhiều tháng liền công ty không có doanh thu, nên anh nhận thấy cần chuyển đổi mô hình kinh doanh tìm nguồn thu duy trì hoạt động.

Để tinh gọn chi phí đầu tư, anh Dưỡng nghiên cứu xây dựng 1 mô hình bán đồ ăn mang đi theo hướng bán hàng trực tuyến, đồng thời đẩy mạnh quảng cáo trên facebook, tiktok, giao hàng tận nơi qua các app Baemin, Loship, Now…

Tháng 6.2021, chuỗi tàu hũ Singapore Yummy tại Đà Nẵng của anh Dưỡng được khai trương. Nhờ nắm bắt tình hình, lựa chọn món ăn phù hợp thị hiếu khách hàng, tháng đầu tiên mở bán, Yummy đã tiếp cận được hàng nghìn lượt khách hàng online và offline, đặc biệt nhượng quyền 5 cơ sở mới, đạt doanh thu 100 triệu đồng.

Anh Dưỡng cho biết, thời gian tới khi tình hình dịch bệnh ổn định trở lại anh sẽ tăng tốc phát triển mô hình này. Ngoài mở rộng tại thị trường Đà Nẵng, thương hiệu Singapore Yummy cũng sẽ được đưa tới các vùng lân cận ở Quảng Nam như Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ…

Với anh Huỳnh Đức Anh Thi (xã Tam Thái, huyện Phú Ninh), dịch bệnh cũng chính là thời điểm chuyển hướng kinh doanh. Năm 2020 khi mô hình trồng hoa lan Moraka của anh đang phát triển tốt thì dịch kéo đến.

Nhận định dịch bệnh ở Quảng Nam sẽ còn kéo dài, anh Thi quyết định chuyển hướng đầu tư xây dựng mô hình trồng rau thủy canh trên diện tích 300m2 với các loại rau như xà lách mỡ, cải thìa, cải bó xôi...

“Vì dịch kéo dài, nên nếu đầu tư mở rộng vườn lan thì nguồn vốn sẽ không thể xoay vòng, trong khi đó rau củ quả vẫn là sản phẩm thiết yếu, thị trường luôn có nhu cầu nên sẽ đảm bảo thu nhập để duy trì hoạt động” - anh Thi nói.

Đến nay, vườn rau của anh Thi cho năng suất ổn định, mỗi tháng xuất bán ra thị trường khoảng 5 tạ rau các loại. Với thương hiệu AT Happy Farm, sản phẩm rau của anh có giá bán trung bình từ 30 - 40 nghìn đồng/kg, mỗi tháng anh thu về khoảng 15 triệu đồng. Hiện tại, các sản phẩm của AT Happy Farm không chỉ được người dân địa phương đón nhận mà còn được nhiều cửa hàng ở Đà Nẵng, Hội An đặt mua với số lượng lớn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh này.

Vượt khó cùng start-up

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh, các start-up buộc phải có kế hoạch thích ứng kịp thời. Bởi nếu chỉ ngồi đợi khủng hoảng qua đi thì cơ hội mất và nguồn lực sẽ cạn.

Bà Nguyễn Phương Nhi - Giám đốc điều hành Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) cho rằng, lợi thế của các start-up là đội ngũ nhân lực trẻ có tính thích ứng cao, dễ dàng điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới. Các start-up muốn vượt qua giai đoạn khó khăn cần tập trung vào 3 yếu tố gồm con người, quy trình và công nghệ.

Về con người, cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng tích cực, tăng cường các huấn luyện nội bộ, nâng cao năng lực, kiến thức để nhân viên sẵn sàng thích nghi với những thay đổi. Về quy trình, một số quy trình cũ cần được chuyển đổi hình thức sang online, các quy trình mới cần được ứng dụng dựa trên tính hiệu quả (quản trị theo mục tiêu, quy trình đào tạo, truyền thông nội bộ…).

Ông Lý Đình Quân - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (SHi) cho biết, hiện nay rất nhiều gói hỗ trợ đến từ các vườn ươm, hệ sinh thái và cơ quan nhà nước để đồng hành với start-up tháo gỡ khó khăn. Chương trình tăng tốc khởi nghiệp du lịch - dịch vụ Vietnam Tourism Startup (VTS) 2021 là một trong những “bệ phóng” để các start-up giải quyết các vấn đề về vận hành, chiến lược, mô hình kinh doanh, phát triển thị trường.

Vừa qua, trung tâm đã giới thiệu 7 start-up được lựa chọn tăng tốc các lĩnh vực giáo dục, du lịch, mỹ phẩm... Trong số này có 3 dự án đến từ Quảng Nam gồm HTX Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe, Adeva Naturals, Nu Đồ Kitchen…

Là một trong những dự án được SHi tuyển chọn tăng tốc trong đợt này, chị Nguyễn Thu Dung (xã Tiên Ngọc, Tiên Phước) - chủ Công ty Adeva Naturals chia sẻ: “Khi tình hình kinh doanh đã chạm đáy, tôi chỉ nghĩ làm sao để cầm cự qua giai đoạn này, duy trì việc làm cho nhân viên, thu mua nông sản của nông dân đúng cam kết. May mắn khi tham gia vườn ươm, tôi nhận được tư vấn và định hướng của các chuyên gia giúp mình tháo gỡ dần những khó khăn, hoàn thiện mô hình kinh doanh, có tầm nhìn cụ thể và lên kế hoạch phát triển công ty một cách chuyên nghiệp hơn” - chị Dung nói.

HUYỀN PHƯƠNG