Tam Kỳ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021: Xác định giải pháp trọng tâm
TP.Tam Kỳ đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2021; trong đó tập trung quyết liệt cho thu ngân sách và thực hiện các nhiệm vụ đột phá.
Đôn đốc thu ngân sách
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng với nỗ lực của toàn thành phố, thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 của Tam Kỳ vẫn có những tín hiệu tích cực ở các lĩnh vực như thu tiền cho thuê đất, thuế thu nhập cá nhân, phí và lệ phí. Một số khoản thu do tỉnh quản lý cũng đạt và vượt tiến độ, đáng kể nhất là thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 104%.
Dù vậy, theo đánh giá của UBND thành phố, tổng thể thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu khi chỉ đạt 45,9% dự toán tỉnh giao và 42,9% dự toán thành phố, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Thậm chí, các khoản do thành phố thu chưa đến 39% dự toán HĐND thành phố giao. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do dự toán tỉnh giao cao so với nguồn thu phát sinh của thành phố, dự báo tăng trưởng kinh tế chậm, ảnh hưởng của dịch bệnh…
Trước tình hình thu ngân sách đạt thấp trong 6 tháng qua, theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, nhiệm vụ còn lại để hoàn thành kế hoạch năm 2021 là rất nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, trong đó tập trung vào các khoản thu chiếm tỷ trọng lớn như thuế ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất. Khoản thu tiền sử dụng đất theo kế hoạch năm 2021 là 350 tỷ đồng (chiếm hơn 50% nguồn thu của thành phố) nhưng 6 tháng qua chỉ thu được 92 tỷ đồng, bằng 26% dự toán thành phố.
Thị trường bất động sản thời gian qua chững lại, quỹ đất thành phố ưu tiên bố trí tái định cư nên quỹ đất đấu giá không nhiều là nguyên nhân dẫn đến nguồn thu không đạt kế hoạch. Do đó, những tháng còn lại cần tập trung nhiều giải pháp như khai thác đất lẻ, hợp thức hóa đất ở, khai thác quỹ đất công hiệu quả, quyết liệt thu nợ tiền sử dụng đất, xúc tiến kêu gọi tổ chức, cá nhân thuê đất tại các khu công nghiệp, khu đất thương mại dịch vụ để hoàn thành kế hoạch thu.
“Chỉ có quyết liệt đôn đốc thu, chống thất thu, cùng với đó là các biện pháp quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công mới đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thu - chi trong một năm có quá nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 này” - ông Ảnh nói.
Tập trung cho nhiệm vụ đột phá
Năm 2021, Tam Kỳ xác định các nhiệm vụ đột phá bao gồm đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền hiệu quả; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ theo tiêu chí đô thị loại I, thực hiện đột phá công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nhìn lại nửa năm triển khai thực hiện, UBND thành phố cho rằng kết quả đạt được khá khả quan.
Đáng chú ý, Thành ủy đã tiến hành tổng kết 5 năm và tiếp tục ban hành nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nghị quyết về nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và mới nhất là nghị quyết về các giải pháp phát triển đô thị Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh tập trung thực hiện các nhóm giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ đột phá mà địa phương xác định từ đầu năm 2021, ông Ảnh cho biết, thành phố đang lập chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết 08 (4.5.2021) của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị loại I. Trong đó, phối hợp với sở, ngành của tỉnh xây dựng, tham mưu tỉnh về cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho Tam Kỳ để xây dựng đạt tiêu chí đô thị loại I, danh mục đầu tư công những dự án hạ tầng khung, có tính chất động lực.
Tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua, HĐND thành phố khóa XII đã thông qua nghị quyết bổ sung 11 dự án đầu tư công từ năm 2021 liên quan đến khớp nối hạ tầng đô thị, đồ án quy hoạch, khu dân cư - tái định cư với tổng mức đầu tư hơn 192 tỷ đồng. Ngoài ra, các dự án trọng điểm bị tồn đọng trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được thành phố điểm danh để tập trung tháo gỡ trong thời gian tới như đường bao Nguyễn Hoàng, đường Bạch Đằng, quốc lộ 40B, đường N10 và khu dân cư 2 bên đường, một số dự án chỉnh trang, khớp nối hạ tầng đô thị, dự án khu dân cư.
Đầu tư 12 dự án hạ tầng đô thị Tam Kỳ
HĐND TP.Tam Kỳ vừa thông qua chủ trương đầu tư công thực hiện từ năm 2021. Theo đó, ngoài khu tái định cư Tam Thăng giai đoạn 2, có 11 dự án khớp nối hạ tầng đô thị gắn với xây dựng sửa chữa các tuyến đường liên huyện. Đó là các dự án khớp nối nút giao thông khu dân cư phía bắc chợ Tam Kỳ, khớp nối hạ tầng khu vực phía bắc trung tâm thương mại, đường Trần Quý Cáp ra hồ ngã ba, cải tạo khớp nối mương thoát nước từ hồ Khổng miếu đến đường Bạch Đằng, san lấp công viên cuối đường Hồ Nghinh, hoàn thiện hạ tầng khớp nối khối phố Mỹ Thạch Bắc, sửa chữa các tuyến đường Trà Lang - Đồng Nghệ, tuyến đường sản xuất thôn 2 Trà Lang, tuyến dân sinh thôn 5 Đồng Nghệ, thôn Đồng Hành, tuyến Tam Kỳ - Phú Ninh. Tổng kinh phí thực hiện 12 dự án hơn 193 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thành phố, xã phường và khai thác quỹ đất.
Quyết định đầu tư nhiều dự án khớp nối hạ tầng đô thị gắn với xây dựng sửa chữa các tuyến đường liên huyện góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hướng đến đô thị loại I; qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Hơn 208 tỷ đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng 33 dự án
UBND TP.Tam Kỳ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021 đã phê duyệt 33 phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư với tổng kinh phí hơn 208 tỷ đồng, diện tích đất thu hồi gần 245.000m2. Trước đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, có 368 phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng được thành phố phê duyệt. Tổng cộng hơn 5.000 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng, trong đó gần 700 hộ dân giải tỏa trắng đã được thành phố bố trí tái định cư.
Thời gian qua, dù có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả khả quan, song công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Tam Kỳ vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, khiến một số dự án khó khăn trong triển khai và chậm tiến độ thi công.
Giải thể Phòng Y tế Tam Kỳ
Tiếp tục thực hiện sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương của Trung ương, TP.Tam Kỳ vừa quyết định giải thể Phòng Y tế thành phố; đồng thời chuyển giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế về Văn phòng HĐND - UBND thành phố. Được biết thời gian qua Phòng Y tế Tam Kỳ không có trưởng phòng. Một Phó Chủ tịch UBND thành phố được phân công kiêm nhiệm trưởng phòng và chỉ có 1 biên chế công chức.
Trước đó, Tam Kỳ đã sáp nhập Hội Tù yêu nước và Hội Thanh niên xung phong thành phố, một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố.
Phấn đấu xây dựng Tam Thanh và Tam Ngọc đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao
Theo kế hoạch của TP.Tam Kỳ về chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), trong năm 2021 duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở 4 xã đạt chuẩn NTM gồm Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Phú, Tam Ngọc và các khu dân cư NTM kiểu mẫu đã được công nhận đạt chuẩn. Riêng 2 xã Tam Thanh và Tam Ngọc, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí và lập hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2021.
Sau gần 10 năm triển khai, TP.Tam Kỳ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 474 (29.3.2021) công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Triển khai xây dựng NTM, thành phố huy động nhiều nguồn lực đầu tư với tổng kinh phí hơn 351 tỷ đồng; bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước 257 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 44,8 tỷ đồng, vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã 26 tỷ đồng, huy động nhân dân đóng góp 23 tỷ đồng. Ngoài đóng góp tiền mặt, nhân dân đã tự nguyện hiến gần 36.200m2 đất, hơn 18.000 ngày công lao động và hơn 2.600 vật kiến trúc như tường rào, cổng ngõ, chuồng trại, nhà cửa.