Thu hút nguồn lực kiều bào

TRỊNH DŨNG 29/07/2021 10:13

Một hệ thống cơ sở dữ liệu về kiều bào gốc Quảng Nam sẽ được công bố trong thời gian tới. Kế hoạch kết nối giữa địa phương và kiều bào sẽ được mở rộng.

 

Hướng về quê hương

Buổi chiều năm 1996, kiến trúc sư, viện sĩ Viện kiến trúc Pháp - Bùi Kiến Quốc chọn một miếng đất cuối phố Phan Bội Châu (Hội An) dựng nhà, căn nhà ấy giờ đã trở thành khách sạn vườn Hà An.

Và 4 năm sau, Công ty TNHH Kiến Quốc chuyên về tư vấn, quy hoạch thiết kế và xây dựng ra đời, khởi sự ý tưởng kinh doanh. Hơn 20 năm qua, kiều bào quê gốc xã Vĩnh Trinh (Duy Xuyên) này đã trở thành một kẻ “gàn” trong mắt nhiều người khi đưa ra những ý tưởng kinh doanh “không giống ai”, chỉ để nuôi mộng… giữ những ngôi làng Việt như tự thuở ban sơ. Giữ lại nguyên vẹn “gương mặt” của một vùng đất, “không tác động gì cả” với ý nghĩ “đừng chậm trễ trước một cuộc xâm lăng văn hóa”. Ngôi làng Việt trên khu đất ven sông ở Triêm Tây (Điện Phương) là một ví dụ.

Một kiều bào Pháp khác là Cecile Le Pham - Tổng Giám đốc Dacotex Group đã chọn miền cát nắng Chu Lai để mở nhà máy gần 2.000 công nhân, sản xuất hàng may mặc “bình dân” xuất khẩu 100% cho các siêu thị lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ. Những chuyến về Pháp ít dần đi. Kiều bào này gần như đã chọn quê hương để “ẩn cư”, mở rộng những cuộc làm ăn.

Nhà vườn Triêm Tây - một trong những dự án đầu tư của kiều bào đang hoạt động tại Quảng Nam. Ảnh: T.D
Nhà vườn Triêm Tây - một trong những dự án đầu tư của kiều bào đang hoạt động tại Quảng Nam. Ảnh: T.D

Theo thống kê của Sở Ngoại vụ, hiện có 5/7 dự án đầu tư của kiều bào tại địa phương còn hiệu lực, quy mô đầu tư nhỏ, với tổng vốn đăng ký khoảng 70 tỷ đồng, đa số thuộc thương mại và dịch vụ. Đó là Công ty TNHH Black Anchovies Hospitality, Công ty TNHH Dacotex Hải Âu Xanh, Công ty TNHH MTV TMDL & DV Xoài,  Công ty TNHH Đức Quang Khải và Công ty TNHH Kiến Quốc. Không chỉ đầu tư, kinh doanh, kiều bào cũng đã sáng lập The VinaCapital Foundation (VCF), Viet Dreams (VD), Hội Ecole Sauvage (ES)…

Các kiều bào như Trần Quốc Giao, Phan Thị Hồng Hạnh (Việt kiều Pháp) và Joél Luguern (quốc tịch Pháp), Tôn Nữ Hoàng Mai - Chủ tịch Hội Ecole Sauvage (ES) - Pháp, Mục sư Nguyễn Xuân Bảo - Hội Thánh tin lành Trưởng lão Việt Nam (Việt kiều Mỹ) đã đóng góp viện trợ cho địa phương.

Tổng giá trị tài trợ của các tổ chức, cá nhân kiều bào trong 5 năm qua khoảng gần 700 nghìn USD (tương đương 16 tỷ đồng). Số viện trợ của kiều bào thông qua hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, giúp đỡ các nạn nhân bị thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, có lượng lớn kiều hối mỗi năm cũng đã chuyển về thân nhân. Tổng số kiều hối năm 2020 ghi nhận khoảng 26,267 triệu USD (thông qua các tổ chức tín dụng gần 26 triệu USD và 330 nghìn USD thông qua các bàn đại lý).

Không thiếu những cuộc gặp mặt kiều bào về quê ăn tết, phối hợp tổ chức một số diễn đàn, hội nghị gặp gỡ kiều bào, kết nối địa phương và kiều bào. Nhiều hội đồng hương Quảng Nam đã được thiết lập tại Đức, Nga, Ba Lan, Lào, Thái Lan… Bà Nguyễn Thị Thùy Trang - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho hay, hiện vẫn chưa huy động đúng mức tiềm năng của kiều bào vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Việc vận động kêu gọi kiều bào đầu tư còn hạn chế. Đây là điểm yếu của Quảng Nam.

Kết nối

Kế hoạch thành lập Hội người Quảng Nam tại Nhật năm 2020 đã bị “đổ bể” vì Covid-19. Nhưng đã có không ít chương trình kết nối của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài với các Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Đức, Lào, Thái Lan… Nhiều chương trình, dự án nhân đạo, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách, gia đình gặp khó khăn bị ảnh hưởng thiên tai… góp phần cùng chính quyền giải quyết tốt an sinh xã hội.

Song, không loại trừ một số người chưa nắm đúng, vững thông tin về Việt Nam, quê nhà, kể cả mặc cảm quá khứ, tâm lý còn e ngại khi về thăm qua thì các kênh thông tin, hình thức tuyên truyền về chủ trương, chính sách thu hút kiều bào đến các địa phương chưa đa dạng. Việc kết nối không thường xuyên giữa địa phương với các tổ chức hội đoàn kiều bào hay hạn chế việc vận động, chỉ bó hẹp trong một số cá nhân tích cực, chưa được nhân rộng ra cộng đồng.

Thời gian tới Quảng Nam sẽ kết nối với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp tổ chức các trại hè, xuân quê hương, gặp mặt kiều bào về thăm quê dịp Tết cổ truyền, mở hội nghị kiều bào kết nối địa phương. Tỉnh liên kết “Công tác Người Việt Nam ở nước ngoài tỉnh Quảng Nam” với trang tin Quê hương online; xây dựng danh mục các lĩnh vực ưu tiên huy động nguồn lực từ kiều bào gửi Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Cơ quan chức năng của tỉnh sẽ nghiên cứu thành lập hội thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài sau khi có kết quả khảo sát số liệu kiều bào gốc Quảng Nam… Đông thời tham mưu ban hành chính sách thu hút nhân tài, huy động nguồn lực trí tuệ của kiều bào du học sinh sau khi kết thúc chương trình học trở về làm việc cho quê hương.

Một cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp đầu tư vào địa phương cũng sẽ được thiết lập, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thu hút sự quan tâm đầu tư của kiều bào. Lãnh đạo tỉnh sẽ có nhiều hơn những cuộc đối thoại trực tiếp với kiều bào đang đầu tư, hợp tác, qua đó nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Nhất là hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để kiều bào tham gia ngày càng nhiều vào đời sống xã hội Việt Nam. Không chỉ vậy, sẽ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của kiều nào khi về thăm thân, kinh doanh, đầu tư, thực hiện từ thiện… phù hợp các quy định pháp luật.

Theo thống kê sơ bộ, số lượng kiều bào theo dữ liệu thu thập khoảng hơn 6.700 người. Cơ quan chức năng của tỉnh đang cố gắng hết sức để có thể ra mắt phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu kiều bào gốc Quảng Nam trong thời gian sớm nhất. Bà Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết, Quảng Nam sắp sửa hoàn thành chương trình khảo sát, cập nhật hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu kiều bào gốc Quảng Nam.

Sau khi có số liệu thống kê, phân tích cụ thể tỉnh sẽ lên kế hoạch kết nối. Số liệu này chính là nền tảng cho sự kêu gọi, thu hút đầu tư của kiều bào. Việc duy trì, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ giúp nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của kiều bào, cũng như định hướng đầu tư mà các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào muốn xây dựng tại địa phương.

TRỊNH DŨNG