Đông Giang ưu tiên sản xuất liên kết theo chuỗi

CÔNG TÚ 29/07/2021 06:06

Thành quả thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Đông Giang còn khiêm tốn. Để tạo sự bứt phá, địa phương còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

HTX Nông lâm nghiệp xã Mà Cooih ươm cấp giống ớt Ariêu cho người dân trồng. Ảnh: C.T
HTX Nông lâm nghiệp xã Mà Cooih ươm cấp giống ớt Ariêu cho người dân trồng. Ảnh: C.T

Khởi đầu khiêm tốn

Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, năm 2018, huyện Đông Giang đã phê duyệt danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020.

Tổng kinh phí giai đoạn 2018 - 2020 Đông Giang huy động thực hiện phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị là 15,94 tỷ đồng; trong đó vốn tỉnh 2,9 tỷ đồng, vốn trung ương 8 tỷ đồng, các bên tham gia liên kết góp 5,04 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, Đông Giang đã phê duyệt thực hiện 19 dự án, tổng nhu cầu vốn 45,52 tỷ đồng.

Văn phòng Điều phối NTM và giảm nghèo Đông Giang là nơi chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án quy mô cấp huyện, đồng thời thẩm định tham mưu UBND huyện phê duyệt dự án liên kết cấp xã.

Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, địa phương đã phê duyệt 10 dự án thuộc giai đoạn này (3 dự án cấp xã, 7 dự án cấp huyện); nguồn lực được ưu tiên đầu tư cho các sản phẩm mang đặc trưng bản địa như ớt Ariêu, chè dây Razéh, chè xanh, chuối mốc, gỗ rừng trồng, heo địa phương, cây dược liệu, lâm sản phụ hay cây ăn quả khác gắn với phát triển du lịch.

Nhận sự hỗ trợ từ cấp trên, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xã Tư chủ trì triển khai dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè dây Razéh với 25 hộ dân tham gia, canh tác trên diện tích 12,3ha. Doanh thu giai đoạn 2018 - 2020 đạt 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng.

Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Tư - ông Lê Duy Trường cho biết, năm 2020 đơn vị thu mua từ thành viên, các hộ liên kết khoảng 11 tấn chè tươi, bán ra ngoài thị trường gần 3 tấn sản phẩm chè khô và cung cấp cho người dân 30.000 cây giống chè dây, mang lại doanh thu 450 triệu đồng, lợi nhuận 90 triệu đồng.

Với hoạt động của mình, HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động; tạo thu nhập ổn định cho các hộ tham gia chuỗi từ việc bán nguyên liệu.

Dự án liên kết sản xuất ớt Ariêu do HTX Nông lâm nghiệp xã Mà Cooih đảm nhận, triển khai cho 157 gia đình trồng 14,4ha. Thời gian đầu, doanh thu của đơn vị đạt 800 triệu đồng, trừ các chi phí còn lãi 350 triệu đồng.

“Cả 10 dự án địa phương thực hiện là phù hợp, khai thác tốt tiềm năng lợi thế bản địa, cây trồng tăng trưởng và có khả năng nhân rộng tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó 3 dự án liên kết sản xuất gồm ớt Ariêu, chè dây Razéh và bò sinh sản đã nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện thu nhập của người dân” - ông Hồ Quang Minh chia sẻ.

Nhiều việc phải làm

Qua 3 năm, các dự án liên kết sản xuất đã nâng cao năng lực, giá trị sản xuất cùng nhận thức của người dân Đông Giang. Nhờ thu nhập cải thiện mà nhiều hộ thoát nghèo, góp phần đáp ứng tiêu chí xây dựng NTM (xã Ba, xã Tư đã về đích NTM); vai trò của HTX, doanh nghiệp được phát huy trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM và giảm nghèo huyện Đông Giang - ông Phan Hữu Thành cho hay, ớt Ariêu và chè dây Razéh sớm gặt hái thành quả khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao.

Những dự án dài hạn còn lại tiến triển khả quan. Điển hình như cây quế Trà My trồng hơn 2 năm và đang sinh trưởng tốt. Loại cây này được doanh nghiệp liên kết, cung cấp cho 383 hộ dân trồng trên diện tích 250ha, tiến tới thay thế dần cây keo nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và dinh dưỡng của đất.

Tuy nhiên, kết quả phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị tại Đông Giang còn hết sức khiêm tốn. Chính quyền huyện cho rằng, do đặc thù miền núi cao, cơ sở hạ tầng nhiều bất cập, chất lượng lao động thấp, quy mô sản phẩm nhỏ lẻ, thô sơ nên việc thu hút doanh nghiệp, HTX vào đầu tư gặp nhiều trở ngại. Người dân nặng tính trông chờ ỷ lại vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước, dẫn đến huy động từ chính họ rất khó khăn...

Để tạo bứt phá thời gian tới, theo kế hoạch đã xây dựng, Đông Giang sẽ phối hợp với Mặt trận, hội đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về trách nhiệm và lợi ích mà các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi mang lại.

Địa phương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, tạo thuận lợi kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân. Đồng thời huy động lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nhất là nội lực người dân hưởng lợi.

Hằng năm, địa phương ưu tiên phân bổ vốn nhằm củng cố, nâng cấp, nhân rộng dự án nào hiệu quả đã khẳng định thực tế, thị trường tiêu thụ ổn định. Vùng nguyên liệu tập trung cũng sẽ được ưu tiên mở rộng, đưa sản phẩm đặc trưng của huyện gắn với Chương trình OCOP; đầu tư dự án có khả thi cao, vùng sản xuất mang tính hàng hóa quy mô lớn. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo phát huy nguồn vốn đầu tư.

CÔNG TÚ