Hoạt động khởi nghiệp, sản xuất OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn phải đi vào thực chất
Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan đến việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; củng cố bình chọn sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh vào chiều qua 28.7.
Sau hơn 3 năm (2017-2021), hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh được đặc biệt quan tâm. Toàn tỉnh có 14 câu lạc bộ khởi nghiệp; UBND tỉnh đã cho phép thành lập 4 hội khởi nghiệp, cuối năm nay dự kiến sẽ có 8 hội khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn toàn tỉnh.
Truyền thông và đào tạo nguồn nhân lực khởi nghiệp được tổ chức đa dạng dưới nhiều hình thức, trên các kênh báo, đài, mạng xã hội và các kênh khác, duy trì đều đặn, thường xuyên.
Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, diễn đàn khởi nghiệp chuyên sâu tầm quốc gia, khu vực, việc xã hội hóa kinh phí để tổ chức hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thu được nhiều kết quả quan trọng...
Hội nghị đã đề cập, thảo luận về những tồn tại, khó khăn, cũng như cần có những tác động, tập trung nhiều hơn nữa để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp trong thời gian tới.
Trong đó, có việc đào tạo lực lượng nhân lực tại chỗ để đảm bảo vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp; phát triển các dự án khởi nghiệp, cơ sở pháp lý cho việc vận hành các quỹ hỗ trợ, lúng túng trong chọn mô hình xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện…
Đại diện các sở, ngành cũng đã tham gia nhiều ý kiến liên quan đến việc củng cố, đánh giá phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Đáng chú ý, có đề xuất gộp bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh với củng cố, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, công tác khởi nghiệp đã có sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của các ban ngành, đơn vị, cùng với đó là nỗ lực duy trì, củng cố phân hạng OCOP và sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Bước vào giai đoạn tiếp theo, khi khởi nghiệp là một trong 3 nhiệm vụ đột phá của tỉnh, cùng với những chủ trương mới về nâng tầm OCOP, đòi hỏi các cấp, ngành, các chủ thể khởi nghiệp, OCOP… phải có nhận thức tầm khác, quyết tâm khác, cách làm khác để các hoạt động này hướng tới yêu cầu cao hơn, chất lượng hơn.
Thời gian tới, tập trung hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng và phát triển sản phẩm hướng tới đáp ứng lựa chọn thị trường, chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời có sự liên kết, hợp tác giữa các sản phẩm trùng lắp, chú trọng đào tạo, tập huấn, huấn luyện kỹ năng để phục vụ sản xuất và bán hàng, hướng tới thương mại điện tử, tập trung cho các thị trường lớn, tiềm năng mà ưu tiên hàng đầu là TP.Hồ Chí Minh.
Các cuộc thi, hội thảo, diễn đàn không cần thiết thì tạm dừng, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ thị trường; hướng tới sử dụng công nghệ, kết nối qua mạng để duy trì các hoạt động tạo khí thế khởi nghiệp.