Dùng nước muối đặc súc miệng ngừa COVID-19, lợi bất cập hại
(QNO) - Gần đây, trên mạng chia sẻ bài viết hướng dẫn cách dùng nước muối ưu trương có nồng độ muối thật cao để xịt rửa mũi, súc họng “diệt” virus gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên, cách làm này có lợi thì ít mà hại thì nhiều.
Các loại nước muối sử dụng trong y học
Nước muối (hay dung dịch NaCL) được sử dụng rất nhiều trong đời sống và y học, đặc biệt là dạng dung dịch nước muối sinh lý.
Có nhiều cách phân loại nước muối nhưng trong khuôn khổ bài viết này, nhằm giúp cho số đông độc giả đễ tiếp cận, hiểu và ứng dụng được, xin giới thiệu cách phân loại theo độ đẳng trương của dung dịch so với dịch cơ thể.
Nước muối sinh lý:
Là dung dịch nước muối đẳng trương có áp suất thẩm thấu bằng 380 mOsmol, tương đương với áp suất thẩm thấu của dịch trong tế bào sống. Là dung dịch nước muối được pha chế với tỷ lệ NaCL tinh khiết/nước cất là 0,9%. Tức 1 lít nước cất với 9g natri chloride tinh khiết.
Nước muối ưu trương:
Là dung dịch nước muối có tỷ lệ NaCL tinh khiết/nước cất cao hơn 0,9%. Nồng độ NaCL càng cao thì độ ưu trương càng mạnh.
Nước muối nhược trương:
Là dung dịch nước muối có tỷ lệ NaCL tinh khiết/nước cất thấp hơn 0,9%. Nồng độ NaCL càng thấp hơn nhiều thì dung dịch càng nhược trương.
Nước muối có tác dụng gì với vi khuẩn, virus?
Hiểu một cách đơn giản thì khi tiếp xúc với tế bào sống, dung dịch nước muối ưu trương sẽ rút nước ra khỏi tế bào (khiến cho tế bào bị mất nước và bị tiêu diệt). Ngược lại dung dịch nhược trương sẽ khiến tế bào hút thêm nước. Duy chỉ có dung dịch đẳng trương là duy trì sự cân bằng (không có sự dịch chuyển nước ra hoặc vào tế bào). Do đó khi dùng để rửa mắt mũi hay súc miệng họng, dùng nước muối đẳng trương sẽ không gây hại cho tế bào niêm mạc.
Nước muối ưu trương có nồng độ muối cao, khiến tế bào vi khuẩn bị mất nước mạnh và bị chết hoặc bị bất hoạt. Nhưng đồng thời cũng gây hại cho cả tế bào niêm mạc của cơ thể.
Nước muối đẳng trương và nước muối nhược trương không gây hại cho tế bào nên cũng không diệt được vi khuẩn. Tuy nhiên, chúng có thể giúp loại bỏ mầm bệnh (vi khuẩn, virus…) thông qua cơ chế rửa trôi.
Mới đây, Bộ Y tế đã ra Quyết định số 3416/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19. Trong đó, các biện pháp theo dõi và điều trị chung có nhấn mạnh biện pháp vệ sinh mũi họng. Có thể giữ ẩm mũi bằng dung dịch muối sinh lý, súc miệng họng thường xuyên bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường.
Đây là biện pháp hữu hiệu, chủ động để mọi người tự bảo vệ bản thân và gia đình trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Việc súc miệng họng bằng các loại dung dịch nước súc miệng họng thông thường nói chung đều có tác dụng giúp loại bỏ mầm bệnh thông qua cơ chế rửa trôi là chính. Ngoài ra cũng có tác dụng sát khuẩn một số loại vi khuẩn gây bệnh thông thường. Việc giữ ẩm cho mũi là để giúp tăng cường khả năng phòng vệ của mũi trước các nguy cơ gây bệnh.
Nhưng chúng ta cần biết rằng, tất cả các loại virus gây bệnh nói chung (kể cả coronavirus gây COVID-19) chỉ có thể sinh sôi phát triển khi chúng xâm nhập được vào trong tế bào vật chủ. Chúng không thể tự sinh sôi và nhân lên khi còn ở bên ngoài tế bào. Virus cũng rất khó mà có thể xâm nhập được qua bề mặt da người. Con đường chủ đạo của chúng là thông qua niêm mạc đường hô hấp. Ví dụ, khi hít phải giọt bắn có chứa mầm bệnh (giả sử có chứa 1000 con virus trong đó) thì không phải tất cả số virus đó sớm có thể xâm nhập được vào các tế bào cơ thể để gây bệnh, mà chỉ có một tỷ lệ nào đó trong số chúng có xác suất xâm nhập thành công. Khi súc miệng, họng thường xuyên là cách giúp rửa trôi loại bỏ bớt được 700 trong số 1000 con virus đó. Như vậy sẽ giảm hẳn xác suất để virus xâm nhập được vào tế bào. Nguy cơ phát bệnh và truyền nhiễm cho người khác sẽ giảm.
Nên dùng nước muối nào để súc họng, xịt mũi?
Gần đây có nhiều ý kiến tranh luận về việc khuyến khích người dân sử dụng nước muối đặc để súc miệng họng phòng ngừa và diệt trừ COVID-19. Vậy nên hay không nên?
Như trên đã trình bày, việc súc miệng họng thường xuyên sẽ giúp hỗ trợ phòng ngừa việc nhiễm bệnh và truyền bệnh cho người khác qua cơ chế rửa trôi. Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo là sử dụng các dung dịch súc miệng họng thông thường. Do đó, người dân nên thực hiện theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế là tốt nhất.
Bởi những dung dịch súc miệng họng thông thường không chỉ nhằm riêng mục đích ngừa COVID-19, mà được nghiên cứu và sản xuất nhằm loại bỏ và diệt trừ một số loại vi khuẩn gây bệnh thông thường khác, giúp nâng cao khả năng bảo vệ cơ thể trước nhiều mầm bệnh. Trên thị trường hiện nay vẫn đang đáp ứng đủ được nhu cầu về nước súc miệng họng cho người dân với nhiều loại có giá cả phải chăng và an toàn. Trường hợp nếu do không có điều kiện, không có sẵn dung dịch súc miệng thông thường thì có thể dùng nước muối sinh lý để súc miệng họng.
Dùng nước muối đẳng trương để súc họng:
Nước muối sinh lý là loại nước muối đẳng trương với thành phần là muối tinh khiết và nước cất theo tỷ lệ 0.9%, đảm bảo độ an toàn cũng như độ sạch. Nếu nước muối đẳng trương tự pha, cho dù đúng tỷ lê 0.9% nhưng nếu không đảm bảo nguyên liệu là nước cất và muối NaCl tinh khiết thì không được coi là nước muối sinh lý. Đó chỉ là nước muối đạt độ đẳng trương mà thôi.
Dùng nước muối sinh lý để rửa trôi loại bỏ mầm bệnh, chứ không phải nhằm mục đích diệt mầm bệnh. Nhưng môi trường nước muối đẳng trương là môi trường dễ bị nhiễm khuẩn, do đó chỉ nên dùng loại nước muối đẳng trương được sản xuất đạt tiêu chuẩn về các tiêu chuẩn chất lượng và đóng sẵn trong chai lọ kín, không nên dùng dung dịch nước muối đẳng trương tự pha bằng nguyên liệu không đạt chuẩn, rất dễ nhiễm khuẩn khi dùng.
Vì sao không dùng nước muối ưu trương để xịt mũi, súc họng?
Nước muối đặc mà đủ để diệt vi khuẩn hiệu quả thì phải có nồng độ NaCl rất cao. Nước súc miệng bằng dung dịch muối đặc tự pha này không lo ngại bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên cũng chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh dung dịch này diệt được coronavirus. Hơn nữa, xét theo góc độ khoa học thì có thể gây lợi bất cập hại.
Nguyên nhân do nước muối đặc có thể gây tổn thương niêm mạc miệng họng, làm suy yếu lớp hàng rào bảo vệ tế bào, dẫn đến tăng nguy cơ cho virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn.
Giả dụ nước muối đặc rửa trôi và diệt được 70% lượng virus có trong khoang miệng, nhưng lại có thể tăng gấp bội xác suất virus xâm nhập thành công vào tế bào niêm mạc đối với 30% lượng virus còn trong khoang miệng thì sao? Do đó, tốt nhất là không nên dùng.
Cách súc miệng họng như nào hiệu quả?
Tùy thành phần nguyên phụ liệu mà mỗi loại dung dịch nước súc miệng họng có hướng dẫn chi tiết khác nhau về số lần dùng trong ngày (thường có ghi trên nhãn), thông thường dùng từ 3 đến 6 lần trong ngày.
Lưu ý nhiều người rất hay mắc phải lỗi khi súc miệng họng, đó là mỗi lần súc miệng thường dùng một lượng quá nhiều dung dịch. Khi dùng quá nhiều, thì việc súc họng rất khó dễ gây sặc. Chỉ nên dùng lượng vừa đủ, thường là tầm 10 - 15ml (tùy theo miệng của từng người).
Cách súc họng hiệu quả là ngửa cổ, rồi khò khò trong cổ sao cho phát âm ra âm thanh AAA hoặc OOO, tạo được sức chạy của khối nước trong khoang họng, khoảng 1-2 phút rồi nhổ ra. Như vậy sẽ hiệu quả hơn trong việc rửa trôi loại bỏ mầm bệnh.