Vốn chính sách đến người dân vùng khó khăn
Chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn trong thời gian qua đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận vốn vay ưu đãi, phát triển kinh tế, thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy vậy, với Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (có hiệu lực từ ngày 4.6), người dân ở 69 xã thuộc vùng khó khăn trước đây của tỉnh sẽ không còn thuộc diện hưởng chính sách ưu tiên này.
Hiệu quả thiết thực
Nhiều năm trước, gia đình chị Trịnh Thị Vân (thôn 2, xã Trà Giang, Bắc Trà My) vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện để trồng mía trên diện tích 1ha, đem lại nguồn thu ổn định. “Cứ đến hạn là tôi trả nợ và tiếp tục vay vốn của ngân hàng chính sách để trồng mía. Nhờ vậy, năm 2020, gia đình đã thoát nghèo” - chị Vân nói.
Ở nhiều xã thuộc vùng khó khăn của huyện Bắc Trà My như Trà Tân, Trà Bui, Trà Giác, Trà Đốc, rất nhiều hộ dân đã tiếp cận vốn vay ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My để đầu tư trồng keo lá tràm, chăn nuôi heo, gà, vịt..., đem lại giá trị kinh tế khả quan. Đến nay, tổng dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn trên địa bàn hơn 93 tỷ đồng với 622 hộ dân vay vốn.
Ông Phan Hồng Nhật - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My cho biết, đây là chương trình tín dụng, cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn có chất lượng rất ổn định, không có nợ quá hạn. Cán bộ ngân hàng chính sách luôn phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên rà soát nhu cầu vay vốn của các hộ dân, trình ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH cấp huyện, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam để nhận bổ sung nguồn vốn, giải ngân kịp thời, đúng đối tượng.
Ở huyện Nam Trà My, người dân vùng khó khăn cũng tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư trồng rừng, cây dược liệu, buôn bán. Ông Trần Văn Quang - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nam Trà My nói, nguồn vốn vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đã thực sự tiếp sức người dân đầu tư xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, thiết thực.
Điểm nhấn của chương trình cho vay này là đối tượng vay vốn được mở rộng; các trường hợp không thuộc hộ nghèo vẫn được vay vốn làm kinh tế. Tính đến ngày 30.6, chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn trên địa bàn Nam Trà My có dư nợ xấp xỉ 49 tỷ đồng với 1.222 hộ vay; xã Trà Mai có dư nợ cho vay lớn nhất với gần 17 tỷ đồng, 397 hộ vay vốn.
69 xã không còn hưởng chính sách
Theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, người dân huyện Tiên Phước sẽ không còn được tiếp cận vốn vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Theo ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, địa phương rất lo là các hộ gia đình vay vốn ưu đãi làm ăn tốt, đã thoát nghèo sẽ gặp khó trong thời gian tới khi không còn được vay vốn sản xuất, kinh doanh theo chính sách dành cho vùng khó khăn.
“Chúng tôi đề xuất Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam kiến nghị với Ngân hàng CSXH cho phép điều hòa nguồn vốn giữa chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn với các chương trình tín dụng CSXH khác như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường... Qua đó tạo thuận lợi hơn trong thực hiện kế hoạch tín dụng hiện nay cũng như giúp các hộ dân tiếp cận được vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh được thuận lợi, ổn định cuộc sống, tránh tái nghèo” - ông Huy nói.
Tổng dư nợ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn đến ngày 30.6 của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam là 923 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng được giữ vững. Tuy vậy, theo Quyết định 861, Quảng Nam chỉ còn 62 xã thuộc diện hưởng chính sách cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn tại 9 huyện, chủ yếu là địa phương miền núi, giảm 69 xã so với trước đây. Theo đó, số tiền cho vay của chương trình theo tính toán của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam sẽ giảm 625 tỷ đồng, riêng từ nay đến cuối năm là 128 tỷ đồng.
Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho rằng, đối với 69 xã trên, người dân không còn được vay vốn chính sách nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại vì khó đáp ứng các yêu cầu, quy định, lãi suất vốn vay lại cao...