Dốc sức vì Phú Ninh

VINH ANH 26/07/2021 07:25

Gần tròn một năm nhận công tác trên cương vị mới, ông Vũ Văn Thẩm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Ninh đã có những trao đổi, chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Nam về kết quả cũng như định hướng, quyết tâm xây dựng Phú Ninh phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đặt ra.

Phú Ninh cần nỗ lực nhiều hơn để phát triển, nâng tầm huyện nông thôn mới. Trong ảnh: Thị trấn Phú Thịnh nhìn từ trên cao.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Phú Ninh cần nỗ lực nhiều hơn để phát triển, nâng tầm huyện nông thôn mới. Trong ảnh: Thị trấn Phú Thịnh nhìn từ trên cao.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nhìn từ những tồn tại

* Ông thường nói vui “cuối đời về quê” để ví chuyện mình được tổ chức phân công về Phú Ninh khi thời gian công tác còn đúng một nhiệm kỳ. Ông có thể chia sẻ đôi điều tâm niệm trên cương vị hiện nay?

Ông Vũ Văn Thẩm: Tôi may mắn được trải qua nhiều cương vị khác nhau. Năm 1997 là Phó Bí thư Tỉnh đoàn, năm 2007 chuyển sang Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, năm 2008 làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và đến 8.2020 làm Bí thư Huyện ủy Phú Ninh.

Cán bộ phải gần dân, tăng cường xuống cơ sở

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Ninh Vũ Văn Thẩm cho rằng, bài học thực tiễn bao giờ cũng giá trị, do đó cán bộ phải tăng cường xuống cơ sở. Nơi nào để dân đói cơm lạt muối, để dân màn trời chiếu đất là xử lý kỷ luật. Việc này đã được Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất.

Theo đó, Mặt trận đoàn thể không ngồi nhiều ở văn phòng, chỉ trừ khi họp hội, còn lại xuống dưới dân, nghe dân nói, nói dân tin… Ông bảo, bản thân cũng thường xuyên làm gương, trong đó có thói quen khi rảnh là xuống “thăm” nhà bí thư, chủ tịch xã. Nói là thăm nhưng thực ra là kiểm tra. Để coi bản thân họ, gia đình như thế nào, xem có làm gương cho bà con không. Chứ chỉ hô hào phát động NTM kiểu mẫu này nọ mà bản thân gia đình mình không làm thì bảo ai nghe. Đó là cái yếu chí cốt, nói hay lắm, viết kiểm điểm hay lắm nhưng làm không ra gì.

Trong quá trình công tác tôi luôn nỗ lực phấn đấu hết mình. Khi được tổ chức phân công về địa phương, tôi cũng xác định với tâm niệm “còn 1 ngày làm việc thì phải làm đến nơi đến chốn, phải làm có hiệu quả”.

Sau nhiều năm công tác ở nhiều cơ quan tỉnh, tôi tích lũy được kinh nghiệm, có các mối quan hệ chính trị, xã hội, và tôi sẽ đem những điều đó để cống hiến, dốc sức cho quê hương trong khả năng có thể.    

* Vậy ông nhìn nhận như thế nào về những tồn tại, thách thức của địa phương mình đang lãnh đạo?

Ông Vũ Văn Thẩm: Có thể thấy, Phú Ninh xây dựng nông thôn mới (NTM) sớm, nhưng xuất phát điểm thấp khi làm NTM, là huyện bán sơn địa, phần lớn nông nghiệp, không có nhiều thế mạnh. Cũng có vài thứ được coi là thế mạnh như vàng, khoáng sản… nhưng quá trình phát triển không trở thành động lực mà lại thành lực cản.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội có phát triển nhưng so với mặt bằng chung các huyện đồng bằng thì còn chậm. Hệ thống giao thông, thủy lợi, trụ sở… được xây dựng sớm, suất đầu tư thấp, đến nay đã xuống cấp. Đặc biệt là vấn đề sản xuất nông nghiệp trong NTM mới.

Phú Ninh vẫn là huyện sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu. Vấn đề sản xuất quy mô lớn, dồn điền đổi thửa, thay đổi tập quán… chưa được giải quyết. Cho nên đời sống nhân dân vẫn còn thua kém. Thu nhập là tiêu chí có tính chất cơ bản, quyết định thành bại của NTM thì Phú Ninh lại đạt rất thấp.

Trong khi đó, với NTM, muốn làm được, không dừng ở chỗ lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, mà quan trọng nhất là sự vào cuộc của người dân. Tuy nhiên việc này còn mặt hạn chế, là lực cản lớn nhất trong xây dựng NTM. Điều này được nhìn nhận từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, hay nói cách khác là công tác tuyên truyền vận động, làm thay đổi nhận thức người dân còn yếu.

Từ những phân tích đó để thấy rằng dù rất nỗ lực, cố gắng nhưng hiệu quả xây dựng NTM mang lại rất thấp. Tinh thần “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, đoàn thể tổ chức vận động, người dân đồng tình ủng hộ trong NTM” chưa thực sự mạnh, nghĩa là đoàn kết trên dưới một lòng chưa được kích hoạt.

Siết chặt kỷ cương

* Từ những thách thức đó, trên cương vị là người đứng đầu, ông và Ban Thường vụ Huyện ủy đã và đang có những giải pháp, hành động cụ thể nào để chấn chỉnh, khắc phục?

Ông Vũ Văn Thẩm: Tôi xác định, muốn làm gì cũng phải xây dựng được nội bộ đoàn kết thống nhất. Cá nhân có giỏi bao nhiêu nhưng nội bộ, tập thể không đoàn kết thì không làm được gì cả. Đoàn kết tạo ra sức mạnh, trong đó lớn nhất là sức mạnh thống nhất cả ý chí và hành động; đoàn kết quy tụ và phát huy được năng lực của cán bộ, tạo ra sự thống nhất trên dưới. Tất nhiên ở đây không phải là đoàn kết theo kiểu xuôi chiều, không có sức chiến đấu.

Chính vì vậy cần phải tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương để thống nhất. Việc này cũng xuất phát từ thực tế là có nhiều chủ trương, chỉ đạo nhưng chậm thành hiện thực trong cuộc sống. Nhiều việc lẽ ra cần làm trước theo hướng đảng viên đi trước làng nước theo sau nhưng  lại chưa được phát huy rõ, đặc biệt là trong xây dựng NTM.

* Để siết chặt kỷ cương thì cần những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Vũ Văn Thẩm: Việc này Ban Thường vụ Huyện ủy liên tục chỉ đạo, nhắc nhở. Tuy nhiên để cụ thể, sắp tới chúng tôi sẽ ban hành nghị quyết về việc chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, cố gắng làm sao đưa trách nhiệm, xử lý trách nhiệm đến từng người, từng vị trí công tác.

Lâu nay do mình làm chung chung nên không thấy ai chịu trách nhiệm. Có tình trạng, được thì thành tích của người đứng đầu mà trật thì anh em bên dưới gánh. Do đó cần phát huy dân chủ, đoàn kết thống nhất nội bộ nhưng phải đảm bảo kỷ luật kỷ cương.

Quan điểm là không nói nhiều; nói đi đôi với làm; làm phải có hiệu quả. Nếu không sẽ rơi vào chủ nghĩa giáo điều, nghĩa là chỉ đạo, nghị quyết nhiều nhưng nghị quyết cũng chỉ là nghị quyết, chỉ nằm trên bàn mà không ra thực tiễn.

Giải bài toán nông nghiệp

* Quay lại những khó khăn trong phát triển nông nghiệp như chia sẻ, phải làm gì để tạo sự chuyển biến cho lĩnh vực này, thưa ông?

Ông Vũ Văn Thẩm: Không thể khác được, muốn tạo đột phá trong nông nghiệp cần phải có sự đầu tư căn cơ, có điểm xuất phát trúng và đúng. Việc này không gì khác là phải thay đổi tập quán nhận thức canh tác, sản xuất… Ruộng phải rộng hơn, điều kiện tốt hơn, đặc biệt là giống, khoa học kỹ thuật. Phải tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, phải tổ chức lại sản xuất và quy hoạch vùng.

Tới đây, huyện sẽ chỉ đạo ra nghị quyết phát triển nông nghiệp riêng, và tinh thần là không làm đại trà, phải từng bước nhân ra diện rộng. Do đó cần tập trung hướng dẫn người dân thay đổi nhận thức về phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tạo giá trị hàng hóa…

* Ngoài nông nghiệp, ông nhìn nhận như thế nào về những rào cản trong phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ của huyện?

Ông Vũ Văn Thẩm: Vai trò kinh tế nông nghiệp rất quan trọng, là trụ đỡ nền kinh tế, tuy nhiên cũng cần xác định quan điểm là không ai giàu lên từ nông nghiệp, trừ một số nước tiên tiến. Và theo xu thế chung cần phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp.

Huyện có một khu công nghiệp lớn (Phú Xuân - PV) nhưng chưa có nhà đầu tư, có mấy cụm công nghiệp nhưng chưa được lấp đầy. Đây là lĩnh vực cần quan tâm, nhất là thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tốt nhất cho doanh nghiệp.

Hiện cơ chế ưu đãi không còn, do đó để cải thiện đáng kể môi trường đầu tư cần tiếp đón niềm nở, chân thành, chân thật, hòa cùng với doanh nghiệp và giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh nhất có thể ở tầm của mình.

Đừng sách nhiễu, gây khó khăn, vòi vĩnh…; phải xem sự phát triển của doanh nghiệp như phát triển của địa phương mình. Đồng thời huyện cũng xác định quan điểm không phát triển công nghiệp bằng mọi giá, mà phải lựa chọn, ưu tiên.

Bây giờ không ưu tiên giải quyết lao động nữa, cần ưu tiên doanh nghiệp nào phát huy hiệu quả đầu tư tốt nhất, nghĩa là hàm lượng trí tuệ cao, giá trị gia tăng, thân thiện môi trường… Cương quyết không chấp nhận những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Khi công nghiệp phát triển sẽ kéo theo dịch vụ thương mại. Hiện nay, Phú Ninh tập trung chỉnh trang phát triển đô thị thị trấn và mở rộng 2 khu Tam Dân, Tam Đàn…

VINH ANH