Sân chơi nghệ thuật thời Covid
Những diễn biến khó lường và các mối hiểm nguy rình rập của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho nhiều hoạt động bình thường trước đây buộc phải thay đổi. Trong đó, các sân chơi nghệ thuật cũng không ngoại lệ, buộc người trong cuộc phải có cách nhìn, cách tiếp cận khác, “thức thời” và phù hợp hơn...
“Gặp nhau” trên mạng
Năm ngoái, lần đầu tiên sau 25 năm kể từ khi “sân chơi” liên hoan ảnh nghệ thuật cấp khu vực ra đời, Liên hoan ảnh Nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã được tổ chức dưới một hình thức chưa từng có: Cả nghi thức khai mạc lẫn trưng bày đều diễn ra trên không gian mạng. Website chính thức của liên hoan khu vực - vốn là nơi để nhận ảnh, cung cấp thông tin về liên hoan, công bố kết quả các vòng thi,... trở thành “khu trưng bày” ảnh.
Hàng trăm nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) trong khu vực và các nhà phê bình ảnh, các nhà tổ chức, thành viên ban giám khảo đã không thể gặp nhau trực tiếp để trao đổi kinh nghiệm sáng tác, chia sẻ về nghề, bởi chương trình giao lưu và hội thảo chuyên đề - vốn là một “phần cứng” của liên hoan, không thể tổ chức được.
Cùng với nhiếp ảnh, giới mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên cũng không thể gặp nhau trong khuôn khổ triển lãm khu vực thường niên năm 2020.
Lúc đó, tranh tượng đã được tập kết về địa phương đăng cai, ban tổ chức cũng đã thiết kế xong market trưng bày, nhiều tác giả - trong đó có một số hội viên Hội VHNT Quảng Nam đang rục rịch lên đường dự triển lãm, nhưng do tác động của dịch bệnh Covid-19, 2 ngày trước thời điểm khai mạc, ban tổ chức đã quyết định hủy bỏ chương trình...
Việc giới thiệu các tác phẩm lọt vào vòng trưng bày và tác phẩm đoạt giải sau đó được thực hiện qua... mạng xã hội facebook (do triển lãm này không có website riêng).
Do đã quá quen với hình thức trưng bày, triển lãm trên thực địa, nên khi buộc phải xem triển lãm “từ xa” trên không gian mạng, nhiều họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) đã tỏ ra thất vọng. Bởi lẽ, với cách làm hoàn toàn mới lạ này, chất lượng chung và những mục đích cần hướng tới của sân chơi ít nhiều bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, sau khi được giải thích, mọi người đã có sự đồng thuận, chia sẻ, rằng việc thay đổi hình thức triển lãm từ trực tiếp sang gián tiếp là bất khả kháng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến khó lường.
Thích ứng với dịch bệnh
Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay, Hội Mỹ thuật Việt Nam không chờ nước đến chân mới nhảy mà ngay từ đầu tháng 7 đã có văn bản thông báo dừng tổ chức triển lãm tại 4 khu vực, trong đó có khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên dự kiến diễn ra vào giữa tháng 8 tại Kon Tum.
Theo đó, thay vì thực hiện trực tiếp trên tác phẩm gốc, việc chấm chọn đối với các tác phẩm tham gia triển lãm sẽ được thực hiện 2 vòng như trước đây nhưng là qua... ảnh chụp. Các tác phẩm được lọt vào vòng trưng bày, xếp giải sẽ được công bố qua các kênh thông tin liên lạc chứ không tổ chức trưng bày...
Còn với nhiếp ảnh, theo NSNA Nguyễn Xuân Chính - Phó trưởng ban Sáng tác - Triển lãm Hội NSNA Việt Nam, do liên hoan ảnh một số khu vực trong năm nay - trong đó có khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên, dự kiến diễn ra vào tháng 9 nên đến lúc này, ban tổ chức vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể.
NSNA Nguyễn Xuân Chính nói thêm: “Tuy nhiên, chúng tôi đã có các phương án khác nhau, tùy vào tình hình thực tế khi sự kiện diễn ra sẽ có lựa chọn cụ thể. Trong đó, tổ chức liên hoan online cũng là một phương án”.
Khác với năm trước, khi tiếp nhận thông tin trên, đa số họa sĩ, nhà điêu khắc đã bày tỏ sự đồng cảm. Họa sĩ Ngô Văn Phúc - hội viên Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam, chia sẻ: “Được gặp nhau để giao lưu, học hỏi là rất quý, nhưng trong tình hình dịch bệnh như hiện nay thì phải vậy thôi, vì an toàn là trên hết”.
Số tác giả Quảng Nam gửi tác phẩm tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần này cũng vẫn đông đúc không thua gì các mùa triển lãm trước: 23 tác giả với 30 tác phẩm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn khi cho rằng việc chấm tranh, tượng qua ảnh chụp sẽ không chính xác so với chấm trên tác phẩm thật (năm 2020, việc chấm giải vẫn thực hiện trên tác phẩm thật, chỉ không tổ chức trưng bày).
Bởi lẽ, ảnh chụp khó thể hiện được hết hồn vía của tác phẩm, chất lượng hình ảnh là không đồng đều do hầu hết được chụp bởi những người “tay ngang” và không phải được chụp bằng máy ảnh chuyên dụng. Do vậy, một số họa sĩ, nhà điêu khắc cho rằng, về lâu dài, để dự phòng và thích ứng với “trạng thái bình thường mới”, các nhà tổ chức “sân chơi” này cần phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ và khoa học hơn.
Trong khi đó, theo NSNA Đặng Kế Đông - Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam, hầu hết hội viên của chi hội đều đã chuẩn bị tâm thế nếu liên hoan ảnh khu vực năm nay lại phải tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, sự hưởng ứng của các tác giả Quảng Nam lần này lại có phần thưa thớt hơn so với trước, bởi lẽ trong thời gian vừa qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều người không thể, không dám đi thực tế sáng tác.
Để phong trào chung không bị ảnh hưởng và để “danh hiệu” là địa phương có tác phẩm tham gia liên hoan nhiều nhất khu vực trong nhiều năm liền không bị tuột mất, Ban Điều hành Chi hội Nhiếp ảnh đã động viên mọi người tranh thủ sáng tác hoặc lọc tìm những tác phẩm chụp từ sau kỳ liên hoan trước trở lại đây nhưng chưa công bố để gửi tham gia.
“Qua những gì đã chứng kiến kể từ kỳ liên hoan ảnh năm trước trở lại đây, có lẽ cần phải tính chuyện thích ứng với dịch không chỉ trong tổ chức liên hoan, triển lãm mà cả trong việc sáng tác của mỗi người” - NSNA Đặng Kế Đông nói thêm.