Cuộc chiến chống Covid-19 thêm khó khăn vì thông tin sai lệch

NAM VIỆT 19/07/2021 21:41

(QNO) - Việc xuất hiện tràn ngập thông tin sai lệch liên quan đến Covid-19 trở thành một trong những rào cản lớn đối với việc kiểm soát đại dịch này tại nhiều quốc gia.

Thông tin sai lệch, giả mạo đang đẩy cuộc chiến chống Covid-19 thêm cam go tại nhiều quốc gia. Ảnh: CNN
Thông tin sai lệch, giả mạo liên quan đến Covid-19 tràn ngập trên mạng internet. Ảnh: CNN

Indonesia vừa đón nhận kỷ lục buồn khi chính thức vượt qua Ấn Độ để trở thành tâm dịch Covid-19 của thế giới với hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày.

Tính đến ngày 19.7, quốc gia Đông Nam Á hơn 270 triệu dân này ghi nhận khoảng 2,9 triệu ca nhiễm với 74.000 ca tử vong do Covid-19 và được cảnh báo đang ở “bờ vực của thảm họa Covid-19”.

Indonesia thừa nhận đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc ngăn chặn bùng phát Covid-19. Trong đó, bên cạnh biến thể Delta là việc phát tán tràn lan thông tin sai lệch, thông tin giả về đại dịch trên một số trang mạng xã hội.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, nếu không có xét nghiệm thích hợp, nhiều nơi không thể xác định được ca nhiễm corona để tiến hành cách ly, truy vết, chặn đứng lây lan dịch bệnh. 

Tuy nhiên, nhiều người tại Indonesia cho rằng Covid-19 chỉ là một bệnh cảm lạnh thông thường, hay toàn toàn không thể được chữa khỏi dù được đưa đến bệnh viện, không cần phải xét nghiệm như những thông tin lan truyền trên mạng internet.

Thậm chí, những thông tin sai lệch về vắc xin ngừa Covid-19 trên mạng xã hội khiến nhiều người tại Indonesia nói riêng và nhiều nơi khác trên thế giới nói chung không muốn tiêm phòng vì sợ nó có thể gây ra bệnh nghiêm trọng hơn hoặc tử vong. Hiện chỉ có khoảng 6% người dân Indonesia được tiêm đầy đủ các liều vắc xin ngừa Covid-19.

Do đó, nhiều người vẫn coi nhẹ Covid-19. Như vài tuần trước, Karunia Sekar Kinanti (32 tuổi) tại Indonesia nhận thấy cậu con trai 2 tháng tuổi của mình là Zhafran bị sốt, nhưng cô cho rằng đó chỉ là cảm lạnh thông thường. Mẹ cô bị cảm cúm và ho, nhưng Kinanti không nghĩ đó là Covid-19, không đi xét nghiệm.

Sau đó, cả gia đình Kinanti cùng ngã bệnh. Người người mẹ quyết định đưa Zhafran đến viện do cậu bé yếu đi và nhận được thông báo của bệnh viện rằng cô hãy chuẩn bị tình huống xấu nhất. Tất cả gia đình cô được các bác sĩ chẩn đoán mắc Covid-19.

Kinanti nói rằng cô ấy đã đánh giá thấp Covid-19 và nghĩ rằng nó không thể ảnh hưởng đến con trẻ: "Tôi đã trễ khi đến bệnh viện, và tôi thực sự hối hận về điều đó."

Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích nhiều trang mạng xã hội “giết người” vì thông tin sai lệch liên quan đến vắc xin Covid-19. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích nhiều trang mạng xã hội “giết người” khi không thể kiểm soát những thông tin sai lệch về vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: AP

Nhiều chuyên gia khẳng định, thông tin sai lệch, tin tức giả mạo trên thực tế có ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của nhiều người như có việc mọi người sẵn sàng đeo khẩu trang hay không, có nên tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19 hoặc tuân thủ các nguyên tắc sức khỏe cộng đồng khác...

Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube đang "giết người” vì cho phép những thông tin sai trái về vắc xin ngừa vi rút corona xuất hiện trên nền tảng của mình trong khi tốc độ tiêm chủng ở Mỹ đình trệ.

Biến thể Delta của vi rút corona giờ là chủng vi rút hiện diện nhiều nhất toàn thế giới, kèm theo sự gia tăng số ca tử vong trên khắp nước Mỹ gần như hoàn toàn ở những người không được tiêm chủng. 

Số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tăng 70% so với tuần trước và tử vong tăng 26%, các đợt bùng phát ca nhiễm xảy ra ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Chuyên gia y tế Vivek Murthy của Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo về làn sóng ngày càng nhiều thông tin sai lệch về Covid-19, bao gồm vắc xin phòng ngừa. Ông Vivek Murthy nói: "Thông tin sai lệch đang khiến cho cho việc chống dịch và cứu mạng người ngày càng khó khăn hơn". 

Mới đây, Facebook cho biết đã xóa hơn 18 triệu thông tin sai về Covid-19 và đóng các tài khoản liên tục vi phạm quy định của họ, nhưng Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định chừng ấy "rõ ràng không đủ".

NAM VIỆT